Việt Nam: Con hổ đang chuyển mình
"Dựa trên các thành quả các bạn đạt được sau 20 năm và những điều kiện hiện có, có thể nói rằng thời điểm “hóa hổ” của Việt Nam không lâu nữa" - Ông Brian Arkadie, tác giả cuốn “Việt Nam: Con hổ đang chuyển mình?”(Vietnam: A Transition Tiger), khẳng định.
Dựa vào đâu ông cho rằng Việt Nam đang “hóa hổ” như trong cuốn sách vừa xuất bản?
Tôi phải mất hơn 15 năm mới hoàn thành cuốn sách trên. Để khẳng định Việt Nam đang “hóa hổ”, trước hết tôi dựa trên các tài liệu chính thức của Việt Nam và các tổ chức quốc tế tích cực trợ giúp đất nước của các bạn trong quá trình đổi mới.
Quan trọng hơn, tôi đi tới các địa phương, gặp gỡ nhiều người dân và quan chức trên mọi lĩnh vực ở Việt Nam để nắm tình hình thực tế. Mặt khác tôi còn có sự so sánh giữa tình hình Việt Nam với các nước có điều kiện tương tự.
Từ đó tôi có những đánh giá và dự đoán về một viễn cảnh tốt đẹp mà Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được từ công cuộc đổi mới.
| |
Ông Brian Arkadie |
Theo ông, khi nào Việt Nam thực sự thành “hổ”?
Để đuổi kịp và trở thành “con hổ” kinh tế như một số nước trong khu vực, Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thách thức mà người ta đang nói hàng ngày.
Tôi không thể đưa ra thời gian cụ thể mà Việt Nam có thể thực sự trở thành “hổ”. Tuy nhiên, dựa trên các thành quả các bạn đạt được sau 20 năm và những điều kiện hiện có cùng những kinh nghiệm từ quá trình nghiên cứu của chính tôi ở hàng chục quốc gia, tôi có thể nói rằng thời điểm “hóa hổ” của Việt Nam không lâu nữa.
Biết đâu chính tôi cũng phải bất ngờ về thời điểm Việt Nam “hóa hổ” dù vấn đề này tôi đã nghiên cứu rất nghiêm túc.
Vậy Việt Nam nên làm gì để “hóa hổ” nhanh hơn?
Tất nhiên Việt Nam phải đổi mới sâu và rộng hơn nữa, đặc biệt phải nhanh chóng hội nhập quốc tế, cụ thể là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới... Một trong những vấn đề tôi cảm thấy lo ngại là khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn.
Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến các vùng nông thôn rộng lớn, nếu không các bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để thực sự trở thành một nền kinh tế lớn trong khu vực.
Ấn tượng của ông về quá trình đổi mới ở Việt Nam ra sao?
Có ba điều tôi muốn nói. Thứ nhất, quá trình đổi mới đã mang tới cuộc sống tốt hơn cho mọi người dân. Trong sách tôi đã nhấn mạnh rằng Việt Nam gây ấn tượng đặc biệt với thế giới trong việc xóa đói, giảm nghèo. Điều này dễ nhận thấy nhất.
Thứ hai, Việt Nam đổi mới một cách toàn diện, trên mọi lĩnh vực chứ không chỉ tập trung vào kinh tế hoặc một mặt nào đó. Điều này giúp Việt Nam phát triển một cách bền vững, ổn định.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam không tự mãn với những thành tựu đạt được mà đã xác định đây là công việc rất khó khăn. Điều này giúp Việt Nam không bị động khi đối mặt với những thách thức phía trước.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong