TPHCM:
Việt Nam có trạm biến áp 110KV không người trực đầu tiên vào năm 2016
(Dân trí) - Hôm qua 19/9, Tổng công ty điện lực miền Nam và Liên danh Siemens đã kí kết hợp đồng cung cấp hệ thống SCADA/DMS và trạm 110KV không người trực đầu tiên tại Việt Nam. Hợp đồng trị giá 15 triệu USD này do Ngân hàng thế giới cấp vốn.
Lễ kí kết hợp đồng gói thầu DEP-SPC-SCADA-1, bao gồm các hạng mục thiết kế, cung cấp, lắp đặt và vận hành hệ thống SCADA/DMS (hệ thống giám sát điều khiển, thu thập dữ liệu và quản lý điện năng) và trạm điện 110KV không người trực, giữa chủ đầu tư là Tổng công ty điện lực miền Nam và Liên danh Siemens gồm 3 bên, đó là tập đoàn Siemens Đức, Liên doanh Power Automation giữa Siemens và tập đoàn điện lực Singapore, và công ty TNHH Siemens Việt Nam.
Theo đó, hệ thống SCADA/DMS sẽ được lắp đặt và sẵn sàng vận hành vào tháng 9/2016, góp phần nâng cao tính ổn định và hiệu quả của mạng lưới phân phối điện trên 21 tỉnh, thành phía Nam, đồng thời làm giảm tổn thất điện năng. Bên cạnh đó, các trạm điện 110KV người trực sẽ giúp Tổng công ty điện lực miền Nam tiết kiệm chi phí nhờ phân bổ nguồn nhân lực hợp lý và hiệu quả hơn.
Đây là dự án đầu tiên thuộc diện này được thực hiện tại Việt Nam và Tổng công ty điện lực miền Nam là đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ này. Hợp đồng trị giá 15 triệu USD này được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Phân phối điện hiệu quả do Ngân hàng Thế giới cấp vốn.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Việt Nam, TS. Phạm Thái Lai nhấn mạnh, hệ thống SCADA/DMS đã thể hiện xuất sắc vai trò và giá trị của mình trong vận hành cho nhiều nhà cung cấp điện và vận hành lưới điện trên thế giới. Và giờ đây công nghệ này sẽ được áp dụng ở Việt Nam cùng với việc Tổng công ty điện lực miền Nam. Đây sẽ là dự án tiêu biểu cho ngành phân phối điện trong nước, tạo tiền đề cho 4 dự án tương tự sẽ được thực hiện trong thời gian sắp tới.
Quốc Anh