Việt Nam có tiềm năng trở thành siêu cường châu Á
(Dân trí) - Trung Quốc và Ấn Độ đang phát triển rất nóng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Theo đại diện của một công ty Nhật Bản đến Việt Nam từ những ngày đầu tiên, sức mạnh lớn nhất của Việt Nam chính là nguồn nhân lực...
Việc tập đoàn Intel đầu tư vào Việt Nam đã gây một tiếng vang lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ khi hãng này công bố xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 1 tỷ USD tại Việt Nam, Việt Nam đã trở thành tâm điểm của báo giới suốt năm 2007.
Tiếp theo sau đó là liên tiếp các dự án đầu tư trị giá vài tỷ USD của tập đoàn Foxconn Technology, hoạt động nghiên cứu của Panasonic, trung tâm phát triển phần mềm của Toshiba, nhà máy sản xuất camera kỹ thuật số của Olympus…
Những thành tựu trên là kết quả của cả yếu tố bên trong và bên ngoài.
Xét về yếu tố bên ngoài, các công ty nước ngoài cần có các công ty liên quốc gia để tiết kiệm chi phí kinh doanh mà vẫn giữ được thế cân bằng nhất định. Đây là một phần trong chính sách Trung Quốc + 1, theo đó một công ty không muốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bản thân chính Việt Nam gần đây đã có những bước tiến nhất định trong cải cách kinh tế. Sự thay đổi thật sự bắt đầu năm 2001 khi Việt Nam ký hợp đồng thương mại song phương (BTA) với Mỹ và thay đổi luật để phù hợp với BTA. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam gia nhập WTO vào đầu năm 2007.
Chính phủ trợ lực cho nền kinh tế
Theo một chuyên gia phần mềm nước ngoài của tập đoàn Altera – tập đoàn tháng 9 sẽ đầu tư vào một trung tâm công nghệ tại Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã thật sự thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Adam Pick, một chuyên gia kinh tế của nước ngoài nhận xét, trên thực tế chính phủ đã thật sự nỗ lực để thu hút đầu tư nước ngoài. Sau khi gia nhập WTO, chính phủ đã có thái độ hết sức cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đã có thể sở hữu đến 49% cổ phần tại các công ty địa phương và tham gia trực tiếp vào điều hành công ty. Và thái độ cùng như nỗ lực của chính phủ Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng, theo số liệu từ Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài năm 2007 là 16 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2006.
Theo ông Pick, ngoài ra còn một số yếu tố khác giúp cho Việt Nam thu hút được nhiều đầu tư. Xét trên phương diện chi phí, chi phí tại Việt Nam cũng gần tương đương tại Trung Quốc. Thế nhưng điều làm cho thị trường Việt Nam khác biệt chính là chi phí lao động hỗ trợ, đây là yếu tố hết sức có lợi, đặc biệt là cho ngành sản xuất đồ điện tử.
Sức mạnh lớn nhất của Việt Nam
Theo ông Hirotaka Ohno, đại diện của một công ty Nhật Bản đến Việt Nam từ những ngày đầu tiên, sức mạnh lớn nhất của Việt Nam chính là nguồn nhân lực.
Giám đốc một doanh nghiệp nhận xét Trung Quốc cũng có một lực lượng lao động hết sức tiềm năng thế nhưng lực lượng này lại chỉ tập trung tại một số thành phố lớn nơi có đầy đủ hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng sẵn có cho đầu tư nước ngoài. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Ấn Độ, chi phí kinh doanh ngày càng cao. Ấn Độ có một lợi thế so với Trung Quốc, đó là số lượng người dân nói được tiếng Anh rất lớn.
Việt Nam, với dân số gần 90 triệu người với 95% người dân biết chữ. Toàn bộ dân số Việt Nam chỉ sống trong một dải đất hẹp thuận lợi cho việc quản lý tập trung và đa dạng lao động trong công ty. Hơn một nửa dân số dưới độ tuổi 35, đây sẽ là lực lượng lao động nòng cốt trong vòng ít nhất 20 năm nữa. Người lao động Việt Nam chịu khó, ham học hỏi và biết chấp nhận cái mới để phát triển nền kinh tế.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam đã thành công trong việc tạo ra dấu ấn riêng cho mình trong cộng đồng đầu tư. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều Việt Nam cần phải cải thiện, đó là cải thiện quy trình cấp phép kinh doanh, cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, và khả năng ngoại ngữ của người dân.
Hệ thống thuế của Việt Nam thật sự cần được cải thiện để khuyến khích đầu tư nội địa và tư nhân. Ở Mỹ, khi các công ty có dự án đầu tư kết hợp với trường đại học, họ thường nhận được sự hỗ trợ nhất định về thuế để cải tiến và thương mại hóa ý tưởng. Thế nhưng điều này ở Việt Nam điều này chưa có. Nếu làm được điều đó, nền kinh tế nội địa sẽ hết sức phát triển, các ý tưởng sẽ được hiện thực hóa nhiều hơn để tạo ra sản phẩm tốt cho xuất khẩu.
Ông Ohno nhận xét cơ sở hạ tầng xã hội và mức tiêu dùng của Việt Nam đang ngày càng cao, tạo tiền đề quan trọng đưa Việt Nam thành một nước phát triển theo định hướng công nghệ.
Ngọc Diệp
CafeF.vn / EEAsia