1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam có thể chịu một mùa mưa bão khắc nghiệt

Các chuyên gia khí tượng cho rằng, một khi La Nina xảy ra trong vòng hai đến ba tháng tới, cùng với các nước ở vùng tây bắc Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều cơn bão và mưa lớn dị thường trong năm 2007 này.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với KS Đào Thị Thúy, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Môi trường.

Bà Thúy cho biết: Trung tâm Dự báo Khí tượng & Thủy văn Trung ương (TTKTTV) dẫn thông báo ngày 8/3 của Cục Khí quyển & Đại dương Hoa Kỳ (NOAA), theo đó, sự chuyển tiếp từ tình trạng El-Nino sang La-Nina có thể sẽ diễn ra trong vòng 2-3 tháng tới.

Nếu quá trình này xảy ra, mùa mưa bão lũ năm nay (từ tháng 6 trở đi), các nước ở vùng tây bắc Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều cơn bão và mưa lớn dị thường.

Nhưng TTKTTV vẫn dự báo, tháng Ba và tháng Tư này, thời tiết nước ta tiếp tục khô hạn và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm?

Do độ trễ của khí quyển nên El-Nino vẫn còn tác động trong vòng 1-2 tháng. Nắng nóng, mưa ít và khô hạn ở nước ta sẽ còn tiếp tục trước khi chuyển sang mưa nhiều.

Bà có chia sẻ quan điểm của NOAA cho rằng La Nina sắp tái xuất không?

Còn phải thận trọng. Các thông báo khí hậu của chúng tôi lâu nay đều dựa trên cơ sở phân tích tổng hợp nhiều nguồn. Đến thời điểm này, chúng tôi mới có thông báo của Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ (CBC), Cơ quan Khí tượng Úc (NCC), và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản.

CBC có dự báo giống NOAA, tức là sự chuyển dịch từ trung gian ENSO sang điều kiện La Nina có thể xảy ra trong vòng 2-3 tháng tới. Tuy nhiên, trong số 12 mô hình dự báo của NCC của Úc, có tới 10 mô hình cho kết quả dự báo khác với dự báo của NOAA và CBC của Mỹ.

Tức là khả năng trong vòng 2-3 tháng tới chưa có La Nina. Chỉ hai mô hình của NCC trùng với dự báo của hai cơ quan khí tượng Mỹ mà thôi. Chúng tôi có ý định chờ thông báo của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Dự báo Khí hậu Mỹ (IRI) để đưa ra dự báo của mình. Bất cập là thông báo của IRI thường có muộn.

Các thông báo chúng tôi đều nhận miễn phí nên phải chấp nhận muộn. Tiền cho nghiên cứu khí tượng, thủy văn, và môi trường, trong đó có lĩnh vực dự báo khí tượng - khí hậu của chúng tôi rất hạn hẹp.

Tại sao cứ nhất thiết phải dựa vào thông báo của IRI, thưa bà?

Thông báo của IRI được tổng hợp từ nhiều mô hình nhất (19) và vì thế đầy đủ nhất. Không những thế, dự báo của IRI cũng cho khoảng thời gian xa nhất dù ai cũng biết, càng dự báo xa, sai số càng lớn.

Mặt khác, chúng tôi còn thận trọng bởi lẽ, để xảy ra La Nina không phải đơn giản. Trạng thái khí quyển và trạng thái đại dương phải diễn biến theo quy luật tiến đến La Nina trong ít nhất ba mùa dự báo liên tiếp mới có thể nhận định có La Nina hay không.

Hiểu nôm na là phải theo dõi ít nhất ba tháng có phải không, thưa bà? Việc TTKTTV của ta cảnh báo La Nina sẽ về liệu có quá sớm không?

Trạng thái khí quyển mấy năm gần đây biến đổi rất nhanh, diễn biến khí hậu ngày càng bất thường. Cho dù chưa kết luận chắc chắn, việc TTKTTV thông báo sớm là cần thiết để các tổ chức và cá nhân chủ động phòng bị.

Nếu La Nina xảy ra như dự báo, bà có nhận xét gì?

Nếu trong vòng 2-3 tháng nữa mà xảy ra La Nina, đây lại thêm bằng chứng cho thấy trạng thái khí quyển thời gian gần đây rơi rất nhanh, chuyển từ pha nọ sang pha kia trong thời gian ngắn hơn nhiều so với trước.

Thông thường phải mất 5-6 tháng sau El Nino, mới xuất hiện La Nina, nếu có. Nhưng La Nina gần đây nhất tác động đến nước ta vào mùa đông năm 1998. La Nina này bắt đầu ngay sau khi kết thúc El Nino kéo dài từ 1997-1998.

Không những thế, đấy cũng là La Nina dài nhất, từ năm 1998 đến 2000. Thiệt hại do mưa bão gây ra bởi La Nina trong thời gian này rất lớn.

Hầu hết các La Nina và El Nino ở Thái Bình Dương đều ảnh hưởng đến nước ta. Từ năm 1950 trở lại đây, tổng cộng có 11 La Nina tác động đến nước ta và mức độ ảnh hưởng diễn tiến theo xu thế ngày càng trầm trọng.

Tóm lại, biến động của khí quyển đại dương gần đây rất lớn. Cần chủ động cho tình huống xấu nhất.

Theo Quốc Dũng
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm