1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong vì Tamiflu

(Dân trí) – Đó là lời khẳng định của bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, phó khoa cấp cứu Viện Y học lâm sàng các bệnh viện nhiệt đới, trước dư luận lo ngại về cái chết của hai thanh niên Nhật Bản liên quan đến tác dụng phụ của Tamiflu.

Bác sĩ Vân cho biết, để khẳng định được mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc Tamiflu với cái chết của hai thanh niên Nhật Bản thì cần phải có quá trình điều tra, nghiên cứu lâu dài. Còn trong thực tế sử dụng Tamiflu ở Việt Nam, chưa có trường hợp nào bị tử vong do dùng loại thuốc này.

 

Theo bác sĩ Vân, Tamiflu có tác dụng ngăn chặn sự giải phóng virus cúm ra khỏi tế bào chủ. Do vậy, nó không chỉ dùng trong điều trị cúm H5N1 mà người ta còn dùng để điều trị cúm thông thường: H1N1, H3N0, H2N7.

 

Tamiflu cũng như các loại thuốc khác, bao giờ cũng có 2 mặt tốt và tác dụng phụ không mong muốn. Ngay cả các loại thuốc bổ nhiều khi cũng là con dao hai lưỡi. Các thuốc kháng sinh có mặt tốt tiêu diệt các mầm bệnh, nhưng nó cũng có những tác dụng không mong muốn: Thuốc thì tác dụng lên hệ tiêu hoá, thuốc tác động lên hệ thần kinh cơ, lên lông tóc móng, da, thị lực, thính giác… Còn với Tamiflu, trên lý thuyết, người ta cho rằng nó có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, làm cho bồn chồn, căng thẳng và sau khi uống Tamiflu thì không nên lái xe sau.

 

Bác sĩ Vân, thuốc Tamiflu được sử dụng trong điều trị và dự phòng cho bệnh nhân, nhân viên y tế tại viện từ đầu năm 2003, khi VN bắt đầu phải đối phó với dịch SARS.

 

Đến nay đã có hàng nghìn viên Tamiflu được sử dụng cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân, nhiều bệnh nhân đã ra viện. Trên thực tế, chưa ai có triệu chứng gì trầm trọng do Tamiflu gây ra, ngoại trừ một vài trường hợp do uống thuốc lúc đói thì có biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn chừng 30 phút lại trở về trạng thái bình thường.

 

“Những tác dụng phụ như vậy là hoàn toàn bình thường, ngay cả uống một số loại thuốc khác, cũng có những người cảm thấy những triệu chứng như vậy chứ không riêng gì Tamiflu và hiện nay, Tamiflu vẫn là “phao cứu sinh” cho cả thế giới”, bác sĩ Vân khẳng định.

 

Hồng Hải - Mạnh Cường