Việt Nam cần một chiến lược kinh tế mềm dẻo
(Dân trí) - "Giữa những tác động của cả nền kinh tế thế giới như thế, Việt Nam hãy coi đây chỉ là thời kỳ uể oải mà thôi và biến đó thành một cơ hội nhìn lại mình, hoàn thiện mình và có lối đi riêng ..."
Đó là kiến nghị của “cha đẻ” chiến lược cạnh tranh Michael E. Porter với các lãnh đạo, nhà kinh tế, doanh nhân Việt Nam... tại buổi “đăng đàn” trong Hội thảo Quốc tế về Kinh tế & Kinh doanh diễn ra tại TPHCM ngày 1/12.
Không thể gói gọn hết nguồn tri thức của mình trong một ngày ít ỏi, “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh đã chia sẻ một câu chuyện rất thực tiễn: Câu chuyện chiến lược trong bối cảnh khủng hoảng.
Theo ông Michael E. Porter, trong chiến lược, sai lầm lớn nhất là cạnh tranh trên cùng quy mô, chiều kích với các đối thủ. Hơn nữa có nhiều sự nhầm lẫn về chiến lược với các bước thực hiện mục tiêu. Phần lớn các công ty trên thế giới không có một chiến lược nào cả mà họ hoạt động kinh doanh trên sự lao động chăm chỉ.
Hơn 700 người tham dự hội thảo “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam”, nghe buổi thuyết giảng của Michael E. Porter là những doanh nhân hàng đầu, những nhà hoạch định chính sách vĩ mô như: TS. Lê Đăng Doanh, TS. Trần Du Lịch, bà Phạm Chi Lan, bà Tôn Nữ Thị Ninh... đến những nhà lãnh đạo các tỉnh thành, các học giả, nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam và từ các quốc gia trong khu vực, châu lục. |
Theo thời gian, sẽ không có 1 công ty nào là tốt nhất cả, nghĩa là không có khái niệm tốt nhất. Có nhiều cách khác nhau để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Chúng ta phải tạo ra 1 cái gì đó khác biệt cho khách hàng của chúng ta. Thách thức của chiến lược chính là tạo ra sự khác biệt, sản phẩm định vị độc đáo cho mình.
Hằng ngày, chúng ta vẫn hay nghĩ về chiến lược, trong khủng hoảng, chúng ta lại càng cần nghĩ về nó nhiều hơn. Bởi khủng hoảng chỉ là ngắn hạn, còn chiến lược mới là dài hạn. Cách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng chính là nhìn thấy được con đường dài phía trước, hay nói cách khác là biết “đặt cái ngắn hạn trong cái dài hạn”.
Trong khi nền kinh tế ở Hoa Kỳ, Nhật Bản đang suy thoái thì cảm giác khi đáp máy bay xuống TPHCM, của ngài Michael E. Porter vẫn là: “Tôi không nghĩ Việt Nam cũng đang suy giảm kinh tế như vậy”.
Nhưng giữa những tác động của cả nền kinh tế thế giới như thế, Việt Nam hãy coi đây chỉ là thời kỳ “uể oải” mà thôi và biến đó thành một cơ hội để nhìn lại mình, hoàn thiện mình và có “lối đi riêng”.
Trở lại câu chuyện “đặt ngắn hạn trong dài hạn”, ngài Michael E. Porter cho rằng khủng hoảng còn là cơ hội để các cá nhân, doanh nghiệp mỗi địa phương và quốc gia nhìn nhận lại “năng lực lõi” của mình, tìm về với sức mạnh thực sự của mình.
“Một cuộc khủng hoảng thường tạo ra các cơ hội nhằm cải thiện nhanh hơn và vượt qua sức ì cản trở đổi mới. Việt Nam cần phải biến cuộc khủng hoảng toàn cầu này thành cơ hội giải quyết các điểm yếu trong cạnh tranh của mình” - ngài Michael E. Porter bày tỏ.
Có thể nói, sự xuất hiện của ngài Michael E. Porter tạo nên một sức hút đối các với các doanh nhân, học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam. Nhiều người đã không tiếc bỏ ra cái giá 600 USD để có được một ngày được nghe trọn vẹn bài giảng của “cha đẻ” cạnh tranh.
Nhà nghiên cứu kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ: “Mỗi học thuyết mà ông Michael E. Porter truyền đạt tôi nghĩ những nhà làm kinh tế Việt Nam phải ghi nhớ là trong kinh doanh, điều ta quan tâm trước mắt là chất lượng rồi hãy nâng cao số lượng”.
Bên lề hội thảo, những cuốn sách kinh điển của ông Michael E. Porter như “Chiến lược cạnh tranh”, “Lợi thế cạnh tranh”, “Lợi thế cạnh tranh quốc gia” đã được nhiều doanh nhân chọn làm sách gối đầu giường.
Michael E. Porter là “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh, là nhà tư tưởng chiến lược bậc thầy của thời đại, đồng thời là một trong 3 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới (cùng với Peter Drucker, “cha đẻ” quản trị kinh doanh hiện đại và Philip Kotler, “cha đẻ” marketing hiện đại). Ông là tác giả của 17 cuốn sách và 125 bài báo. Những tư tưởng của ông đã đặt nền móng cho sự hình thành của khoa học chiến lược và cạnh tranh, được giảng dạy rộng rãi ở tất cả các trường kinh tế và kinh doanh trên thế giới. Bên cạnh vai trò là Thành viên sáng lập và điều hành Hội Đồng Cạnh Tranh (Council on Competitiveness) của Chính phủ Hoa Kỳ, Michael Porter còn được biết đến như một nhà tư vấn về chiến lược cạnh tranh cho hơn 20 quốc gia trên thế giới. |
Công Quang