1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Việt kiều về nước mua nhà chỉ... thiệt

(Dân trí) - “Với giá nhà đất ở TPHCM và Hà Nội hiện nay nếu bán nhà ở California về Việt Nam mua lại thì chỉ có... thiệt. Vì thế việc mở rộng đối tượng không đáng lo bởi không ai mua nhiều” - đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại quốc hội, sáng nay 2/6.

Thảo luận dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai tại Quốc hội hôm nay 2/6, không phải là lần đầu tiên vấn đề này được bàn đến nhưng các câu hỏi vẫn chưa được giải đáp trọn vẹn.
 
Đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) cho rằng quy định về nhóm đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà không hạn chế (vẫn còn quốc tịch Việt Nam) là quá rộng. Ông Nhị phân tích, người có quốc tịch chiếm khoảng 70% trong số hơn 3 triệu người Việt định cư ở nước ngoài.
 
Ông Nhị đề nghị thiết kế thêm “khoá” là người được quyền mua phải đủ 18 tuổi trở lên và chứng minh được nguồn tiền mua nhà là hợp pháp để chống rửa tiền. Đại biểu cũng kiến nghị hướng quy định “cứng”, chỉ được xét mua 1 nhà cho nhu cầu để ở.
 
Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước (đại biểu tỉnh Gia Lai) cũng đồng quan điểm, nhấn mạnh cần có sự phân biệt người Việt sinh sống ở nước ngoài với công dân trong nước.
 
Ông Phước bày tỏ lo lắng về tác động đối với thị trường nhà đất. Với số lượng lớn người nước ngoài có thể mua nhà không hạn chế, chủ tịch Hội đồng dân tộc tính tới khả năng dẫn tới tình trạng đầu cơ, lũng đoạn nhà đất.
 
Việt kiều về nước mua nhà chỉ... thiệt - 1
Hai nhóm ý kiến trái ngược khiến phiên thảo luận khá sôi nổi (ảnh: Việt Hưng).
 
Ông Phước lý luận, tạo điều kiện về chỗ ở, phải nghĩ đến 86 triệu dân trong nước vì quy định “mở” như dự thảo luật nếu xảy ra việc đầu cơ nhà đất thì thiệt hại vẫn là người dân trong nước.
 
Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) phân tích khía cạnh, có quyền sở hữu nhà đồng nghĩa với việc có quyền được mua bán, sang nhượng, cho thuê trong thời gian không ở. Vì thế khái niệm cho thuê “tạm thời” theo đại biểu là không xác định, khó quản lý.
 
Ông Tấn nêu kiến nghị “thắt” hơn về thời gian tối đa có thể cho thuê lại là 3 năm và phải chứng minh mục đích cho thuê để ở, không “cấp phép” cho hoạt động khác.
 
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng khẳng định “chưa yên tâm”. Ông Minh cho rằng, ban soạn thảo dự luật trước hết phải dự báo được số lượng bao nhiêu Việt kiều sẽ về nước mua nhà khi luật được thông qua, từ đó mới đặt vấn đề có nên sửa hay chưa, nên mở rộng hay không?.
 
Con số dự báo “không chính thức” ông Minh nêu ra là khoảng 500.000 trường hợp, sẽ có tác động tới thị trường bất động sản, xã hội trong nước nhưng không biết là tác động theo hướng tích cực hay tiêu cực. Con số nửa triệu này cũng không biết đáng mừng hay lo. Ông Minh cảnh báo, không thể đơn giản hoá việc này.
 
Ngược lại với những quan ngại đó, nhóm đại biểu khác lần lượt nêu lý lẽ “bẻ” quan điểm chặn quyền mua nhà rộng rãi cho Việt kiều.
 
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu dẫn chứng, thực tế 3 năm thực hiện quy định cho Việt kiều mua nhà, mới chỉ 138 trường hợp mua bán thành công, như vậy là rất ít. Các trường hợp khác mua lách luật, qua người thân thì chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, mà công năng sử dụng cũng chủ yếu để cho người trong nước là chính.
 
Cho rằng tâm lý “đồng tiền liền khúc ruột”, bà con người Việt ở nước ngoài không phải có tiền là đầu tư bừa, ai cũng sẽ tự cân nhắc nhiều nếu để một khối tài sản lớn cách xa mình hàng trăm nghìn cây số.
 
“Đại bộ phận người Việt ta ở nước ngoài chủ yếu cũng chỉ đủ tiền sinh sống, không lý gì bỏ tiền mua nhà trong nước để rồi chờ tranh chấp, bay đi bay về giải quyết phức tạp. Cứ để họ có đủ quyền như người trong nước cũng góp phần làm thị trường sôi động hơn mà không đến mức chi phối, lũng đoạn thị trường” - đại biểu Thường nêu quan điểm trực diện.
 
Đại biểu Trần Du Lịch dẫn số liệu của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, với giá nhà đất ở TPHCM và Hà Nội hiện nay nếu bán nhà ở California (Mỹ) về Việt Nam mua lại thì chỉ có... thiệt, vì giá ở đây đắt hơn. Thị trường nhà đất trong nước, theo ông Lịch cũng chưa phải là hấp dẫn.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) “gạt” hẳn băn khoăn về chuyện người nước ngoài mua gom hết đất. Ông Đào phân tích: Hãy so sánh một vài tập đoàn nước ngoài hiện nay đang lấy đất của chúng ta rồi bán lại cho chúng ta. Tại sao chúng ta không lo lắng việc này mà lại đi lo lắng một số Việt kiều có quan điểm ái quốc muốn về đóng góp để mua nhà?.
 
Nhiều khả năng, nội dung sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai sẽ được QH thông qua trong kỳ họp này và có hiệu lực ngay từ tháng 9 tới.
 
P. Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm