Việt Á "bỏ túi" gần 4.000 tỷ đồng từ việc bán kit test
(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Minh Sơn thông tin, từ tháng 4/2020 đến hết năm 2021, riêng bán kit test cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và cơ sở y tế, Công ty Việt Á đã thu gần 4.000 tỷ đồng.
Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021.
Bất cập, lãng phí trong phòng chống dịch
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đề cập tới tình trạng lãng phí trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề liên quan tới Công ty Việt Á.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, việc để xảy ra tình trạng kit test Covid-19 không đạt tiêu chuẩn được lưu hành và sử dụng không chỉ trong tiêu dùng cá nhân mà còn ở các trung tâm CDC và các cơ sở y tế gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
"Theo cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, chỉ sau 17 tháng (từ tháng 4/2020 đến hết năm 2021), Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép và lưu hành kit test, riêng bán kit test cho CDC và cơ sở y tế cũng đã đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng" - ông Sơn nêu rõ.
Ngoài sai phạm trực tiếp liên quan tới Công ty Việt Á, vị đại biểu cũng nhắc lại những bất hợp lý trong phòng chống dịch ở một số thời điểm, nhất là vào những tháng cuối năm 2021 - khi thực hiện bước chuyển chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
"Việc bắt buộc xét nghiệm Covid-19, đưa ra yêu cầu test nhanh âm tính là một trong những điều kiện để đi lại và trở lại hoạt động truy vết nguồn lây chưa thực sự thuyết phục, gây tiêu tốn nguồn lực rất lớn cho ngân sách nhà nước, gây lãng phí nguồn lực của xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh" - ông Sơn nhấn mạnh.
Chưa hết, vị đại biểu đề cập tới việc áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển ở một số địa phương trong một số giai đoạn quá cứng nhắc, nghiêm ngặt, nặng về thủ tục cấp phép xin - cho với hình thức giấy đi đường liên tục thay đổi và ban hành mới.
Công tác phối hợp, tổ chức thực hiện ở một số nơi còn thiếu tính đồng bộ, thiếu nhất quán, linh hoạt đã tác động tiêu cực tới kết quả phòng chống dịch cũng như việc duy trì các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực con người và ngân sách huy động cho hoạt động này.
Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng, việc hạn chế huy động y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng gây lãng phí nguồn lực.
Cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân
Góp ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nữ đại biểu cho biết, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhận diện vấn đề này cho thấy công tác phòng, chống lãng phí một số ngành, địa phương chưa chuyển biến rõ nét.
"Việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi chưa kiên quyết, có tình trạng buông lỏng quản lý quan liêu, tham nhũng là những tác nhân của lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả; chưa chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây lãng phí" - bà Thúy cho hay.
Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hàng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.
"Cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tham gia giám sát hiệu quả" - bà Thúy đề nghị.