1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Viện Phụ sản Hà Nội chào đón 10 em bé “ống nghiệm” đầu tiên

Hôm qua 28/6, 10 em bé “kim cương” - như lời so sánh của các ông bố, bà mẹ hiếm muộn - đã được ra mắt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của bệnh viện chào đời ngày 25/1/2007.

Đó là bé Nguyễn Ngọc Hải Đăng - con chị Cao Hồng Linh, ở tổ 7 phường Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội. Gần 30 tuổi chị mới lập gia đình, được 1 năm mà chưa thấy “gì”, chị đi khám thì mới hay mình bị tắc vòi trứng. Nhưng rất may, ngay từ lần đầu thụ tinh nhân tạo đã thành công luôn.

 

Đăng lúc sinh được hơn 3kg, nay đã được hơn 5 tháng, nặng 6,3kg. Chính dựa trên sự thành công của ca thụ tinh này, ngày 28/2/2007, Bộ Y tế đã công nhận Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

 

Một trong 2 cặp sinh đôi rất thu hút sự chú ý của mọi người là hai cháu Khúc Thành Công - Thuý Ngân, đã được 3 tháng 10 ngày tuổi. Ở một nơi ven đô thị như xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội, chuyện những em bé “ống nghiệm” còn hiếm lắm, nên khi chị Dung sinh đôi, người làng còn thắc mắc “sao 2 đứa giống bố” thế. Giải thích mãi là bệnh viện áp dụng kỹ thuật mới nhưng vẫn là máu mủ của bố Thơ mẹ Dung, thì con đương nhiên phải giống rồi. Cái tên Thành Công được đặt cũng là để ghi dấu sự toại nguyện của anh chị sau 10 năm chờ đợi.

 

Trong số 10 bé, cháu Lương Hoàng Mỹ Linh được coi là nở từ trứng kim cương, vì bé mới 3 tháng nhưng rất bụ bẫm và xinh xắn. Có được cô con gái thứ hai này, anh Lê Quốc Việt bảo rằng gia đình 4 người của anh giờ mới thực sự hoàn chỉnh. “Nhí” nhất là bé Nguyễn Đức Anh, mới 24 ngày tuổi nên chưa thể cùng bố từ Quảng Ninh ra Hà Nội. Anh Nguyễn Đức Thành, bố cháu cho biết, em bé đã tăng được 200gr so mới lúc sinh.

 

Bác sĩ Nguyễn Huy Bạo - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - “bật mí”, sẽ có thêm 10 bà mẹ sinh con trong năm Đinh Hợi nữa. Với 70 ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên, có được 18 trường hợp, tức là 30% thành công. Bệnh viện cố gắng mỗi năm có thể hỗ trợ cho 100 cặp, với mức chi phí khoảng 30 triệu đồng/lần thụ tinh.

 

TS Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, một trong hai đơn vị đã chuyển giao công nghệ cho Viện Phụ sản Hà Nội - đánh giá: “Các kỹ thuật mà Hà Nội đang thực hiện cũng là những phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay. Từ năm 2000 đến nay, đã có khoảng 1.000 ca thụ tinh nhân tạo được thực hiện trên cả nước, tỉ lệ thành công là 30 - 35%, khá cao so với mặt bằng thế giới. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn ở Mỹ, Đức, Canada, Australia cũng sang VN và đạt được mong muốn”.

 

Theo Quang Duy

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm