1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việc thu phí đường bộ sẽ chuyển về công ty Nhà nước?

(Dân trí) - Cục Đường bộ Việt Nam vừa có công văn gửi các Khu Quản lý đường bộ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất việc chuyển giao các Trạm thu phí từ các Công ty cổ phần sang Công ty nhà nước.

Việc thu phí đường bộ sẽ chuyển về công ty Nhà nước? - 1
(nguồn ảnh: itd.com.vn).

Xây dựng cơ chế quản lý hay chuyển giao?

Theo Thông báo số 107/TB-BGTVT ngày 16/3 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) nghiên cứu đề xuất phương án báo cáo Bộ theo hướng xây dựng cơ chế quản lý nhà nước đối với các Công ty cổ phần (Công ty CP) thực hiện nhiệm vụ thu phí hoặc điều chuyển nhiệm vụ thu phí cho các Công ty nhà nước (Công ty NN) hoặc Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên (Công ty TNHH NN MTV).

Theo đó, Cục ĐBVN đã có hai công văn gửi các Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) yêu cầu đề xuất việc chuyển giao các Trạm từ các Công ty CP sang Công ty NN trong đó công văn số 1237/CĐBVN-TC ngày 8/4 ghi rõ lưu ý lộ trình chuyển giao thành 2 đợt: 1/7 và 1/10/2009.

Trước phương án mà Cục ĐBVN đưa ra, một số Khu QLĐB và Công đoàn Khu đã có ý kiến đề xuất Cục nghiên cứu kỹ hai phương án mà Bộ trưởng đưa ra, nhấn mạnh ý kiến giữ nguyên quyền thu phí của các Công ty CP.

Khu QLĐB IV đề nghị Cục tiếp tục ký hợp đồng thu phí sử dụng đường bộ với các Công ty CP như hiện nay đồng thời tăng cường quản lý chống thất thu và chấm dứt hợp đồng nếu các công ty này có vi phạm.

Công đoàn Cục ĐBVN cũng có Công văn 57/CĐCĐBVN ngày 14/4 đề nghị Cục “nghiên cứu, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ trưởng” về hai phương án: chuyển giao cho các Công ty NN hoặc xây dựng cơ chế quản lý Nhà nước đối với các Công ty CP thu phí.

Trước đó, trong các công văn gửi Công đoàn Cục ĐBVN và Ban thường vụ công đoàn GTVT Việt Nam, Công đoàn Khu QLĐB IV cũng nêu ý kiến quanh việc hai (theo chỉ đạo của Bộ trưởng) hay một (theo công văn của Cục ĐBVN) phương án về các trạm thu phí. Công văn cho rằng: “… không nhất thiết phải chuyển các trạm thu phí từ các Công ty CP sang Công ty NN một cách gấp gáp như vậy, mà có thể xây dựng cơ chế quản lý Nhà nước đối với các Công ty CP thực hiện nhiệm vụ thu phí để không gây xáo trộn…”.

Trước những băn khoăn này, Cục ĐBVN cho rằng: Trong Công văn 1237/CĐBVN-TC, Cục không nêu phương án xây dựng cơ chế quản lý Nhà nước đối với các Công ty CP thực hiện nhiệm vụ thu phí là vì Cục đã giao cho phòng tham mưu thực hiện.

Có nhất thiết phải chuyển giao cho Công ty NN?

Ngoài ý kiến cho rằng để thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục ĐBVN cần xem xét cả hai phương án thay vì nhấn mạnh phương án chuyển giao, các Khu còn đưa ra một số lý do “cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, thận trọng” việc chuyển giao các trạm thu phí cho Công ty NN.

Thứ nhất, tại Quyết định của Bộ GTVT phê duyệt phương án chuyển đổi các Công ty QL và SCĐB thành Công ty CP QL và XDĐB có ghi các công ty sau khi cổ phần hóa được “thừa kế quyền thu phí… quản lý và sử dụng tài sản sự nghiệp tại Công ty CP thực hiện theo phương án của Cục ĐBVN được Bộ GTVT phê duyệt”.

Theo Công đoàn Khu QLĐB IV, việc tiếp tục hay không tiếp tục quản lý các trạm thu phí cầu đường bộ ở các Công ty CP do Bộ GTVT quyết định chứ không thuộc thẩm quyền quyết định của Cục ĐBVN.

Thứ hai, theo các Khu và Công đoàn Khu QLĐB, các Công ty CP QL và XDĐB hiện đang nắm quyền thu phí là Công ty CP nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, và theo Luật doanh nghiệp hiện hành thì các doanh nghiệp (DN) này là DNNN, vì thế không nên đặt ra vấn đề chuyển công tác thu phí từ các DN này sang các DNNN không theo mô hình Công ty CP.

Theo lý luận của các đơn vị này, trong khi Nhà nước khuyến khích và có nhiều chính sách ưu đãi cho các DN cổ phần hóa, phương án chuyển quyền thu phí từ các Công ty CP nhà nước cho các Công ty không cổ phần hóa là chưa hợp lý.

Thêm vào đó, theo một số DN, các Công ty QL và SCĐB có sức cạnh tranh không lớn, nên cổ phần hầu hết chỉ bán cho người lao động. Những người lao động mua cổ phần của các công ty này không phải là những nhà đầu tư tài chính thực sự, mà chỉ mua để duy trì việc làm.

Do đó, các DN và Công đoàn Cục ĐBVN cho rằng việc chuyển giao này sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi và làm mất lòng tin của người lao động vào chủ trương cổ phần hóa các DNNN của Chính phủ.

Theo đó, sau khi tổng hợp ý kiến của Công đoàn các Khu QLĐB, Công đoàn Cục ĐBVN đã kiến nghị Cục cần nghiên cứu đề xuất phương án theo hướng xây dựng cơ chế quản lý Nhà nước đối với các Công ty CP và lấy ý kiến của các Khu QLĐB, các Công ty và Công đoàn trước khi có báo cáo gửi Bộ GTVT.

Trước ý kiến đa chiều từ các Khu, Công đoàn và bản thân DN, Cục ĐBVN sẽ tổ chức Hội nghị thống nhất phương án, lộ trình thực hiện vào ngày 27/4. Hội nghị không có sự tham gia của các DN.

Hồng Kỹ