“Việc phòng, chống tham nhũng sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực tư”
(Dân trí) - Việc phòng, chống tham nhũng sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực tư và phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư cũng chính là để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công hiệu quả hơn.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố Báo cáo đánh giá các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước tại Việt Nam. Đây là nghiên cứu được Thanh tra Chính phủ phối hợp với các chuyên gia thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện.
“Trong khu vực doanh nghiệp, tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khu vực nhà nước mà giữa các doanh nghiệp với nhau cũng xảy ra hiện tượng này. Trong nội bộ doanh nghiệp ngoài nhà nước, cũng xảy ra hiện tượng một số người nắm giữ quyền hạn trong việc quản lý tiền và tài sản của doanh nghiệp đã lợi dụng quyền hạn được giao chiếm đoạt tài sản đó”- báo cáo đánh giá.
Dưới góc độ kinh tế, tham nhũng trong khu vực tư sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, méo mó bản chất các quan hệ kinh tế.
Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc liên quan tới tham nhũng, gian lận nghiêm trọng ở Việt Nam đã được phát hiện như: vụ án Ngân hàng Đại Dương ( Ocean Bank ), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land), Công ty Minh Ngân và hàng loạt các vụ án liên quan khác… đã cho thấy những mặt hạn chế hay thậm chí không hiệu quả trong công tác quản lý nói chung, cũng như trong công tác phòng chống tham nhũng, tăng cường liêm chính trong kinh doanh nói riêng.
Một phần lớn nguyên nhân của các vụ án nêu trên xuất phát từ sự yếu kém trong quản trị công ty, hay nói cụ thể hơn, hoạt động kiểm soát nội bộ chưa phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa, phát hiện và xử lý gian lận, sai sót.
Tại các công ty có quy mô lớn, vai trò của ban kiểm soát hoạt động còn khá hình thức, chưa thể hiện rõ chức năng nhiệm vụ yêu cầu cao về tính độc lập mà thực tế lại phụ thuộc rất lớn vào hội đồng quản trị và ban điều hành. Các báo cáo vi phạm trong quản trị doanh nghiệp vừa qua đã phần nào khẳng định hầu hết các vụ việc xảy ra là hậu quả của năng lực kiểm soát nội bộ yếu kém, thiếu minh bạch.
Báo cáo cho rằng, tại các công ty nhỏ và vừa, do thiếu nguồn lực tài chính và nhận thức còn hạn chế nên hầu hết doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú trọng thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ/bộ phận kiểm soát rủi ro hoặc không có điều kiện tuyển dụng, trả lương nhân sự chuyên trách bộ phận tuân thủ pháp lý vào làm việc trong doanh nghiệp.
“Bởi vậy, việc phòng, chống tham nhũng sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực tư và phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư cũng chính là để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công hiệu quả hơn. Chính vì vậy, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn”- báo cáo đánh giá.
Không những vậy, báo cáo còn khẳng định trong những năm qua, các doanh nghiệp vừa là nạn nhân của tệ tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu của người người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng không ít doanh nghiệp đã tìm cách móc nối và tiếp tay cho hành vi tham nhũng để mưu lợi cá nhân. Điều đó làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, làm xấu môi trường kinh doanh cũng như tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.
Vì vậy, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa là trách nhiệm, vừa là đòi hỏi tất yếu của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, trong bản thân các doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi cá nhân hoặc làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp; điều đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của thị trưởng. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều được tiến hành ở cả khu vực công và khu vực doanh nghiệp (khu vực tư).
“Tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa là trách nhiệm vừa là đòi hỏi tất yếu của doanh nghiệp và những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Do vậy, để phòng chống tham nhũng có hiệu quả thật sự thì cần phải có sự tham gia chủ động tích cực từ tất cả các chủ thể, trong đó có doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề”- báo cáo nhận định.