“Vị thế Quốc hội chưa cao vì tự gò bó mình”
(Dân trí) - “Vị thế của Quốc hội chưa cao vì “tự gò bó mình”. Cả nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm một cá nhân nào cũng chưa bao giờ đưa ra được những phán quyết mạnh mẽ như buộc chấm dứt, tạm đình chỉ vấn đề gì…”.
Buổi thảo luận tổ về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011) sáng nay 24/3 ghi nhận nhiều mổ xẻ, “tự vấn” thẳng thắn, nghiêm khắc của các đại biểu dân cử về chính hoạt động của mình 4 năm qua.
“Quốc hội đã đỡ… gật”
Ông Hải lấy ví dụ Luật Đất đai, được đưa vào chương trình làm luật từ đầu nhiệm kỳ nhưng để một kẽ hở lớn làm cho một nhóm lợi ích nhỏ giàu lên rất nhanh nhưng người dân thì bức xúc. Hệ quả của việc này, theo đại biểu, có phần trách nhiệm của Quốc hội.
“Chỉ riêng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lúc đó có lãnh đạo tuyên bố xanh rờn là năm 2005 sẽ hoàn thành việc cấp xong toàn quốc nhưng thực tế đến giờ mới được hơn 60%. Ngay lúc đó, dân đã cười vì quá duy ý chí. Nếu đi sâu vào giám sát thì quá nhiều “bìa đỏ” không được trao cho dân” - ông Hải điểm lại.
Phê khả năng chủ động của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về “lực” của cơ quan quyền lực cao nhất so với cơ quan hành pháp. Ông Đào kể lại chuyện đại biểu Phạm Thị Loan trong một lần về địa phương công tác, ngay đến ông chủ tịch UBND xã còn khoá cửa không cho xe ra, làm việc với đại biểu Quốc hội chỉ mang tính đối phó. Đại biểu đánh giá, vị thế của Quốc hội so với cơ quan hành pháp như vậy quá thấp.
Hạn chế lớn nhất của Quốc hội khoá XII, theo đó, là vì khả năng giám sát chưa cao, chưa tạo được “uy”, đối trọng với cơ quan hành pháp. Ông Đào đề nghị thay đổi cơ chế theo hướng để các Uỷ ban chuyên môn của Quốc hội đều có quyền giám sát hoạt động của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Xây dựng cơ chế này thành một thông lệ trong hoạt động của Quốc hội mới có thể tăng cường vai trò đối với cơ quan hành pháp.
Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) nghiêm khắc chỉ ra vị thế của Quốc hội chưa cao là vì “Quốc hội tự gò bó mình”. Ông Long phàn nàn, cả nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm một cá nhân nào cũng chưa bao giờ đưa ra được những phán quyết mạnh mẽ như buộc chấm dứt, tạm đình chỉ vấn đề gì.
“Hiệu lực, hiệu quả chưa cao do chính Quốc hội chưa làm những việc đáng ra phải làm” - đại biểu kết luận.
Trước những ý kiến khá “căng”, ông Nguyễn Ngọc Đào “xoa dịu”: “Dù sao, đánh giá lại cả nhiệm kỳ 4 năm, tích cực vẫn nhiều hơn hạn chế. Quốc hội đã thể hiện vai trò của mình tốt hơn, như một chuyên gia nước ngoài từng trao đổi với tôi: “Quốc hội các ông đã đỡ gật hơn”. Tôi coi đấy là một lời khen”.
Đại biểu Trần Đình Long cũng phân tích bất cập trong việc cơ cấu nhân lực Quốc hội. Ông Long chỉ ra không ít đoàn đại biểu Quốc hội chỉ toàn đại biểu kiêm nhiệm. Mỗi đoàn đến giờ chỉ mong ở địa phương có được một văn phòng với 4-5 chuyên gia mạnh về từng lĩnh vực để giúp việc cho các đại biểu mà… bế tắc, chỉ vì lo toan cơm áo, tính tới tính lui để giảm tiền làm văn phòng, tiết kiệm chút xăng xe, điện nước. Ông Long so sánh với một nước có điều kiện khó khăn hơn như Campuchia mà còn lo được văn phòng, hệ thống giúp việc cho nghị sĩ và không giấu chạnh lòng khi đối chiếu sang Việt Nam.
Tâm tư này của ông Long nhận được chia sẻ của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào dẫn một cách nói rất đời thường “Quốc hội của ta ăn cả làm tất, làm tất ăn cả”. Mỗi đại biểu không có ai giúp đỡ, hỗ trợ, có muốn tìm hiểu vấn đề nào đó là phải tự lục cục tìm báo, tìm kiếm trên mạng… với những thông tin chưa chắc đã chuẩn xác.
Ông Đào kiến nghị sớm tăng đầu tư để có đội ngũ giúp việc cho đại biểu, làm sao ít nhất 3 đại biểu phải có một thư ký.
Đại biểu cũng mổ xẻ cho rằng các đại diện dân cử chưa toàn tâm công tác, chưa tạo được ảnh hưởng gần gũi với đời sống, với cử tri mà mới thường xuyên làm người đưa thư, thậm chí đưa xong cũng không có thời gian để xem thư đã đến đâu. Ông Đào day dứt việc phải dành thời gian xem xét khiếu nại của dân thấu đáo hơn.
Cũng bàn về trách nhiệm tự thân của đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cũng bức xúc vì nhiều đại biểu đi họp còn theo kiểu đối phó, gượng ép, thậm chí những buổi phải tham gia biểu quyết vẫn vắng mặt.
“Không lý gì mà phiên họp biểu quyết cũng chỉ trên dưới 400/493 đại biểu” – ông Dũng phàn nàn nhưng lại nhìn nhận vấn đề là do cơ cấu đại biểu quá nhiều người thuộc khối cơ quan hành pháp. Ông Dũng kiến nghị không nên để Chủ tịch UBND tỉnh, huyện tham gia Quốc hội, các Bộ trưởng cũng chỉ nên là “khách”, cần mới đến. Đại biểu cho rằng không thể chấp nhận thiếu đến cả trăm đại biểu khi cần quyết sách các vấn đề, khiến người dân theo dõi Quốc hội khó chịu.
Phương Thảo - Hoàng Bùi