1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vì sao Việt kiều khó mua nhà tại Việt Nam?

Vướng mắc nhất hiện nay là việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam cho bà con. Người còn giấy khai sinh hoặc còn hộ khẩu tại địa phương cũ thì thời hạn nhanh nhất cũng phải mất 3 tháng. Những Việt kiều không còn giấy tờ hay bà con thân thích gì tại Việt Nam thì rất khó.

Với khoảng 3 triệu kiều bào đang sinh sống tại hơn 100 nước trên thế giới, năm 2007 số Việt kiều về nước đã lên đến gần 1 triệu lượt người, lượng kiều hối gửi về nước trong năm này cũng đã đạt con số khoảng 5 tỷ USD.

 

Ngay từ năm 2001, khi Nghị định 81/CP được ban hành, trong đó cho phép 4 nhóm đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam. Luật Nhà ở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2006); Nghị định 90 hướng dẫn thực hiện luật mở rộng đối tượng được mua nhà trong nước cả với những trường hợp là Việt kiều đã về Việt Nam cư trú thời hạn từ 6 tháng trở lên.

 

Luật Nhà ở được thông qua, hy vọng sẽ thu hút được một lượng lớn Việt kiều về quê sinh sống ổn định, đầu tư làm ăn hoặc đóng góp chất xám xây dựng quê hương; giới kinh doanh bất động sản thì dự báo sẽ bùng nổ một cơn sốt nhà đất mới; bà con Việt kiều thì hả hê nhưng đến nay, trên cả nước mới chỉ có 137 trường hợp mua được nhà, tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh... do còn phải chờ Thông tư hướng dẫn.

 

Dự thảo sửa đổi Nghị định 90 do Bộ Xây dựng trình Chính phủ mới đây đã tạo điều kiện cho Việt kiều được mua nhà dễ dàng hơn. Theo đó, sẽ có hai nhóm đối tượng gồm: Việt kiều là công dân Việt Nam sẽ được sở hữu nhà ở như người trong nước, quy định cũng nói rõ là sẽ không hạn chế số lượng nhà được sở hữu; những đối tượng khác chỉ được sở hữu một nhà ở (căn hộ chung cư).

 

Số lượng Việt kiều mua được nhà thì ít, nhưng trên thực tế, số về nước mua nhà "chui" thông qua việc nhờ người thân đứng tên là không hề nhỏ. Do vướng mắc trong các điều kiện mua nhà, thời gian gần đây, để hợp thức hóa cho việc mua nhà của đối tượng Việt kiều, các doanh nghiệp làm dự án căn hộ chung cư cao cấp đã áp dụng hình thức cho thuê dài hạn. Thời gian thuê từ 30 - 50 năm, trả tiền một lần mà thực chất đây là hình thức bán nhà được ngụy trang để chờ khi nào Việt kiều đủ điều kiện đứng tên sẽ tiến hành sang tên.

 

Nguyên nhân dẫn đến ách tắc trong vấn đề cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà những năm qua, bà Nguyễn Thị Thọ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh cho biết: "Vướng nhất là việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam cho bà con. Người còn giấy khai sinh hoặc còn hộ khẩu tại địa phương cũ thì thời hạn nhanh nhất cũng phải mất 3 tháng. Những Việt kiều không còn giấy tờ hay bà con thân thích gì tại Việt Nam thì rất khó. Ngay như quy định thời hạn cư trú 6 tháng là thời hạn liên tục hay thời gian ngắt quãng hiện cũng còn phải chờ hướng dẫn".

 

Ngoài diện Việt kiều được sở hữu nhà như công dân trong nước, dự thảo Nghị định 90 sửa đổi cũng cho phép người nước ngoài, bao gồm cả đối tượng Việt kiều không thuộc diện trên được mua một nhà ở.

 

Như vậy, trong số hơn 80 ngàn người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư trong vòng gần 5 năm trở lại đây, sẽ có hơn 20 ngàn người đủ điều kiện mua nhà. Hiện tại, chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 4 ngàn căn hộ, gồm nhà biệt thự và căn hộ cao cấp được cấp phép cho người nước ngoài thuê. Nếu quy định này được thông qua, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh sẽ bùng nổ.

 

Trong lúc vấn đề nhà ở đô thị cung luôn cao hơn cầu, việc đặt ra quy định "Việt kiều, người nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở và phải sau một năm mới được mua bán sang nhượng và không được cho thuê" để quản lý là cần thiết. Quy định này tuy có làm hạn chế quyền sở hữu của người được mua, nhưng sẽ góp phần chống tình trạng đầu cơ và với người nước ngoài thực sự có nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam thì đây không phải là vấn đề lớn.

 

Hiện tại, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Bộ luật Dân sự chưa có quy định về sở hữu nhà đất đối với người nước ngoài nên chủ trương này sẽ chỉ được thực hiện khi được Quốc hội thông qua và sửa đổi các luật trên cho phù hợp.

 

Theo một cán bộ trong ngành Tài nguyên - Môi trường, quy định theo hướng cho phép Việt kiều không thuộc diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài "Được mua một căn hộ chung cư với những ràng buộc về thừa kế, chuyển nhượng… là phù hợp với các chính sách pháp luật về đất đai hiện nay".

 

Tuy nhiên, để khai thông vấn đề này, tránh tình trạng lại bị "tắc" như suốt thời gian qua, còn hàng loạt vấn đề cần tiếp tục được thảo luận để tìm hướng tháo gỡ.

 

Theo Đức Thắng

CAND

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm