1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vì sao nhiều người gặp khó khăn đăng ký tài khoản định danh điện tử?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Việc thu nhận thông tin, duyệt hồ sơ đăng ký định danh điện tử (ĐDĐT) của người dân phải có quy trình, đảm bảo tính pháp lý. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người gặp khó.

Như đã đưa tin, từ ngày 20/10, Nghị định số 59/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử sẽ có hiệu lực thi hành.

Do vậy, người dân có thể xuất trình thông tin ĐDĐT (căn cước công dân của công dân trên môi trường điện tử qua ứng dụng VNeID) để chứng minh nhân thân, thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các giao dịch dân sự thay căn cước công dân gắn chip như hiện nay.

Tuy nhiên, những ngày qua nhiều người dân phản ánh họ gặp khó khăn trong việc đăng ký tài khoản ĐDĐT qua ứng dụng VNeID. 

Giải thích về hiện tượng trên, lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), cho biết, việc thu nhận thông tin, duyệt hồ sơ đăng ký ĐDĐT của người dân cần phải có quy trình, phải đảm bảo tính pháp lý. 

Vì sao nhiều người gặp khó khăn đăng ký tài khoản định danh điện tử? - 1

Việc thu nhận thông tin, duyệt hồ sơ đăng ký ĐDĐT của người dân cần phải có quy trình, phải đảm bảo tính pháp lý. (Ảnh minh họa: Công an Hà Nội).

Thông thường, khi người dân đăng ký tài khoản ĐDĐT qua phần mềm VNeID (mức độ 1) hoặc tại cơ quan công an (mức độ 2) sẽ phải cung cấp hình ảnh, sinh trắc học, sau đó Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ phải đối sánh với thông tin trên hệ thống, nếu trùng khớp thì sẽ được duyệt ngay. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp dữ liệu chưa chính xác, hoặc chụp ảnh để xác thực không đúng cách dẫn đến hệ thống không khẳng định được đúng con người nên không thể duyệt hồ sơ.

Ngoài ra, hàng ngày Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư phải xử lý hàng chục ngàn hồ sơ đăng ký, phê duyệt tích hợp giấy tờ liên quan và chưa liên thông được hết các bộ, ngành, địa phương, cũng là nguyên nhân khiến người dân gặp khó khăn trong việc đăng ký tài khoản ĐDĐT.

Lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư nói thêm, có người chỉ 1/2 ngày là được duyệt, kích hoạt tài khoản ĐDĐT, nhưng cũng có người phải đợi rất lâu mà chưa được duyệt. Những trường hợp này các cán bộ sẽ phải ngồi duyệt hồ sơ thủ công, nhìn bằng mắt để đánh giá xem đúng người không.

Về việc hiển thị giấy tờ liên quan, lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư giải thích, không phải người dân đưa giấy tờ cho công an địa phương nhập lên là xong, là hiển thị ngay mà dữ liệu nhập lên, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư phải gọi đơn vị chủ quản để xác nhận. Ví dụ như bảo hiểm y tế, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư phải gọi sang hệ thống bảo hiểm y tế xác nhận xem có đúng người, đúng thông tin hay không. Khi phía bảo hiểm xác nhận thì hệ thống sẽ duyệt, có dấu tích xanh là đã xác thực và được hiển thị.

"Tài khoản ĐDĐT không giống như tài khoản điện tử mà người dân đăng ký trên các trang mạng. Trên mạng, người ta không cần quan tâm có đúng người hay không, mà chỉ quan tâm đến số lượng người dùng nên rất dễ đăng ký, sử dụng ngay nên tạo tâm lý dễ dãi cho người dân", lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư nói và khuyến cáo người dân không nên quá nôn nóng.

Theo vị này, ĐDĐT mang tính vĩ mô và là chiến lược lâu dài nên phải đảm bảo đúng danh tính số để sử dụng dịch vụ công nên phải có quy trình nghiệp vụ và đảm bảo tính pháp lý.

Đã phê duyệt cấp gần 11,2 triệu tài khoản ĐDĐT

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, tính đến ngày 20/10, cả nước đã phê duyệt cấp gần 11,2 triệu tài khoản ĐDĐT. Trong đó, mức 1 (đăng ký trực tuyến) là gần 153.000; mức 2 (đăng ký cấp trực tiếp tại cơ quan công an) là hơn 11 triệu; duyệt tích hợp thông tin bảo hiểm y tế hơn 1 triệu tài khoản, thông tin giấy phép lái xe 200.000 tài khoản. Số lượng sử dụng tài khoản ĐDĐT để đăng nhập vào cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 30.000 lượt đăng nhập.

Cũng theo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, việc đăng ký, sử dụng ĐDĐT hiện còn vướng mắc vì chưa kết nối rộng và do đang triển khai theo lộ trình Đề án 06 chứ chưa hoàn thiện. Qua phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06), tính đến thời điểm hiện tại, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới triển khai kết nối, chia sẻ thông tin với 12/25 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14/63 địa phương.

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, do Bộ Công an phát triển.

Những lợi ích người dân được hưởng khi định danh điện tử:

Tạo công cụ giúp người dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, đảm bảo tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả thay cho việc thực hiện các giao dịch với phương pháp truyền thống (giấy tờ tùy thân, gặp mặt trực tiếp,…).

Tạo ra những công cụ thật sự thuận tiện, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Tích hợp toàn bộ các giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử giúp công dân giảm thiểu các giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia là có thể đảm bảo các thông tin về giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ hiệu lực pháp lý để sử dụng thay thế giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử;...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm