Vì sao miền Bắc mưa lớn kéo dài, ngập lụt nhiều nơi?
(Dân trí) - Sóng lạnh hoạt động với tần suất nhiều hơn kèm theo các tổ hợp về rãnh áp thấp, hội tụ gió là nguyên nhân khiến miền Bắc mưa nhiều trong hơn một tháng qua. Nhiều nơi xảy ra ngập lụt diện rộng.
Chiều 10/6, mưa bắt đầu giảm dần ở miền Bắc sau hai ngày khu vực ở trong đợt mưa lớn trên diện rộng. Mưa cực đoan kéo dài đã khiến nhiều nơi hứng chịu ngập lụt nghiêm trọng, tập trung ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang... khiến giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thực tế, kể từ đầu tháng 5 đến nay, miền Bắc hứng chịu các đợt mưa dông liên tục mặc dù đã vào giai đoạn đầu mùa hè. Trong vòng một tháng, khu vực chỉ đón duy nhất một đợt nắng nóng (26-30/5), còn lại duy trì thời tiết nhiều mây, nền nhiệt thấp dưới 34 độ C và mưa nhiều.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một chuyên gia khí tượng lý giải mùa mưa ở miền Bắc thường bắt đầu từ khoảng tháng 4-5 đến tháng 9-10, nên việc mưa dông xuất hiện ở khu vực trong thời gian qua là theo quy luật.
Dù vậy, tình trạng mưa kéo dài suốt cả tháng 5 và đầu tháng 6 ở miền Bắc là do trên khu vực tồn tại rãnh áp thấp ở vùng núi, kết hợp hội tụ gió tây nam nóng ẩm.
Cùng với đó, hệ thống áp cao từ phía bắc nén xuống hình thành các rãnh áp thấp ở khu vực phía nam Trung Quốc, sát với biên giới và dịch xuống khu vực vùng núi phía Bắc nước ta. Một số điểm mưa lớn cực đoan do địa hình lòng chảo, thung lũng.
Tổ hợp các yếu tố trên là nguyên nhân chính khiến miền Bắc mưa kéo dài suốt tháng 5, tập trung ở vùng núi và trung du. Thống kê cho thấy tổng lượng mưa trong tháng 5 ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cao hơn 30-60% so với trung bình nhiều năm, có nơi cao hơn 80-100%, tức gấp đôi so với cùng kỳ.
Trái ngược, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ lại có lượng mưa thiếu hụt 15-30%, có nơi thấp hơn 50% so với trung bình.
Mưa lớn sẽ trở lại miền Bắc cuối tuần này
Lý giải thêm, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết mưa lớn xuất hiện ở miền Bắc thời gian này không phải bất thường. Do đang ở giai đoạn chuyển mùa, khu vực chịu tác động của các đợt sóng lạnh yếu gây mưa dông.
Theo chuyên gia, từ đêm 8/6 đến ngày 10/6, miền Bắc đã xuất hiện mưa lớn với hai tâm mưa. Ở Đông Bắc Bộ, tâm mưa nằm tại Quảng Ninh, Hải Phòng với vũ lượng lên tới 200-300mm, có nơi như huyện Quảng Hà và TP Móng Cái xấp xỉ 400mm.
Còn ở Tây Bắc Bộ, tâm mưa nằm tại khu vực Hà Giang với lượng phổ biến 100-200 mm, cá biệt có điểm mưa ở huyện Vị Xuyên trên 400mm.
"Đây đều là lượng mưa lớn trong tháng 6, là nguyên nhân gây ngập lụt nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang và một số nơi ở vùng núi phía Bắc", ông Hưởng nhận định.
Riêng ở TP Hà Giang và huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), khu vực này có địa hình lòng chảo, được bao quanh bởi các rãnh núi cao nên khi lũ lên, lượng nước dồn về quá nhanh, gây ngập lụt diện rộng.
Theo cơ quan khí tượng, từ chiều 10/6, mưa ở Bắc Bộ có xu hướng giảm. Những vùng tâm mưa như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang cũng giảm mưa nhưng đề phòng vẫn có điểm mưa cục bộ lên đến 100mm.
Do vậy, người dân các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục đề phòng với hiện tượng lũ quét, trượt lở đất do mưa lớn cục bộ với cường suất lớn.
Từ ngày 11/6, miền Bắc giảm mưa và tăng nhiệt, có nơi lên ngưỡng nắng nóng trên 35 độ C. Tuy nhiên đến khoảng ngày 14-16/6, khu vực khả năng hứng thêm đợt mưa mới.
Ngày 10/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Tại đây, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do mưa lũ.
Thủ tướng yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cùng các đơn vị liên quan, cũng như địa phương không được lơ là, chủ quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và các tỉnh, thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn.
Các địa phương cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu.
Đơn vị chức năng bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.