1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giám định 6 dự án do PMU18 làm đại diện chủ đầu tư:

Vì sao đường Pháp Vân - Cầu Giẽ không nghiệm thu được?

Dự án đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến tránh của QL1A được khởi công ngày 4/9/1998, đưa vào khai thác ngày 1/1/2002. Nhưng, đã hơn 3 năm qua, tuyến tránh này vẫn chưa được nghiệm thu vì chất lượng không đảm bảo...

Có thật là đường cao tốc?

 

Nhắc đến tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhiều người trong ngành GTVT khẳng định với niềm tự hào: "Đây là đường cao tốc đầu tiên của VN", và không ít báo chí truyền thông cũng gọi tên "đường cao tốc".

 

Đoạn tuyến dài gần 30km, Bộ GTVT giao cho 2 ban quản lý dự án (BQLDA) làm đại diện chủ đầu tư. Trong đó, PMU1 phụ trách đoạn Pháp Vân - Thường Tín dài gần 17km, PMU18 thực hiện dự án đoạn Thường Tín - Cầu Giẽ dài gần 13km.

 

Điều không thể phủ nhận là nhờ có tuyến tránh Pháp Vân - Cầu Giẽ mà nạn tắc đường trên QL1A đoạn phía nam Hà Nội giảm hẳn, giao thông thuận tiện hơn. Thời kỳ đầu, những biển báo cắm ven đường "đoạn chờ tắt lún" đối với người qua đường khá lạ mắt. Giờ thì đã thành quen thuộc. Vì "chờ tắt lún" đến hơn 3 năm vẫn chưa hết... chờ (!).

 

Và bây giờ, khi những tiêu cực của PMU18 bị phanh phui, cơ quan chức năng xâu chuỗi các sự việc, các dự án để làm rõ sai phạm của từng cá nhân, thì tuyến tránh này lại được nhắc: Vì sao xong lâu rồi mà không được nghiệm thu, hoàn công? Nếu là đường cao tốc thì dựa vào tiêu chuẩn nào? Suất đầu tư cho mỗi cây số đường là bao nhiêu v.v...? Tại sao biển hiệu trên đường ở nhiều đoạn vẫn ghi 100km/giờ (tối đa) - 80km/giờ (tối thiểu)? Thực chất, đoạn tuyến đó được quy định tốc độ bao nhiêu?

 

Ngày 21/4, Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng, PGS-TS Trần Chủng, cho biết: "Độ bằng phẳng của con đường qua kiểm tra vẫn chưa đạt yêu cầu thiết kế. Hội đồng nghiệm thu nhà nước (NTNN) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 1932/HĐNTNN, ngày 26/9/2005), và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ GTVT chịu trách nhiệm về nghiệm thu công trình, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với chất lượng công trình...". HĐ NTNN đã từ chối không nghiệm thu với đoạn đường này. Có điều, không hiểu vì sao, việc xử lý chất lượng công trình từ phía Bộ GTVT lại chậm trễ?

 

Điếc không sợ súng

 

Tìm lại hồ sơ dự án, đoạn tuyến này được đầu tư xây dựng bằng Quyết định số 493/TTg, ngày 31/12/1996 của Thủ tướng Chính phủ với thiết kế tiêu chuẩn là "đường cấp 1 đồng bằng, mặt cắt ngang rộng 25m cho 4 làn xe cơ giới chạy tốc độ 100km/giờ".

 

Thế nhưng, do chất lượng công trình không đảm bảo, cơ quan chức năng đề nghị Bộ GTVT nghiêm túc xem lại biển báo tốc độ trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, và khuyến cáo: "Biển báo 100km/giờ, tốc độ không tương thích với chất lượng của đường, nếu xảy ra tai nạn, thì Bộ GTVT phải hoàn toàn chịu trách nhiệm", và đề nghị chỉ nên quy định khoảng 60km/h. Nhưng, cho đến thời điểm này, không ít biển báo trên đường vẫn để nguyên con số chỉ dẫn "100km/giờ".

 

Được biết, Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng HĐ NTNN kiểm tra, nghiệm thu đối với công trình nâng cấp QL1, gồm cả đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đoạn đường này đạt một số tiêu chí của đường cao tốc như có tường hộ lan đảm bảo an toàn, không có giao cắt; tuy nhiên, đường chưa đảm bảo độ êm thuận và chưa đạt tốc độ 120km/giờ theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.

 

Căn cứ kết quả phúc tra của tư vấn kiểm định độc lập, các chuyên gia đã chỉ ra những tồn tại của chất lượng công trình; tồn tại lớn nhất là độ bằng phẳng của mặt đường không đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn đường cấp cao có tốc độ thiết kế là 100km/giờ.

 

Các chuyên gia hàng đầu về chất lượng công trình đã từ chối, không đồng ý cho nghiệm thu, và đương nhiên HĐ NTNN yêu cầu chủ đầu tư là Bộ GTVT khắc phục. Nhưng đã hơn 3 năm qua, việc khắc phục vẫn chưa triệt để. 

 

Theo N.Mậu - K.Minh

Lao Động