Vì sao có quy định "không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết"?
(Dân trí) - Luật Chăn nuôi vừa được Quốc hội thông qua cách đây khoảng 1 tháng và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Điều 71 của Luật này quy định: "... Cơ sở giết mổ vật nuôi phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ".
Liên quan đến quy định trên, chiều 19/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Điều 71 của Luật Chăn nuôi có nội dung "Đối xử nhân đạo với vật nuôi", trong đó quy định: Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu như: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
"Khi vật nuôi chết tức thì tức là làm ngất sẽ không đau đớn, không căm thù. Nếu chúng ta làm vật nuôi đau đớn, làm sợ hãi khi nhìn thấy đồng loại bị giết thì vật nuôi sẽ tiết ra hoóc môn không có lợi cho sức khỏe và con người, vì hoóc môn này động vật tiết vào máu, tiết vào thực thẩm, do đó, chất lượng thực phẩm sẽ không đảm bảo. Ngoài ra, nếu làm vật nuôi đau đớn, sợ hãi khi bị giết mổ sẽ không có tính nhân đạo" - ông Dương cho biết.
Cũng theo ông Dương, hiện nay các cơ sở giết mổ vật nuôi tập trung đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định, vật nuôi được gây ngất trước khi giết mổ. Khi Luật này có hiệu lực, các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.
"Nhiều người nói đối với các điểm giết mổ nhỏ lẻ sẽ khó áp dụng, tôi cho rằng không khó. Ví dụ, khi giết con lợn thì lấy vật gì đó che không cho con lợn khác nhìn thấy là được. Việc này nếu người dân tự giác làm vì tính nhân đạo sẽ hoàn toàn thực hiện được, không có gì khó khăn" - ông Dương nói thêm.
Nguyễn Dương