1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Vì sao có nhiều "lá chắn" nhưng trung tâm Cần Thơ vẫn ngập sâu?

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Dù có 2 hệ thống trạm bơm, công trình kè cao, loạt tuyến đường được nâng cấp cống thoát nước nhưng nhiều khu vực trung tâm ở TP Cần Thơ vẫn ngập sâu, có nơi ngập gần 1km, nước tràn vào nhà dân.

Trong hai ngày 18-19/10, TP Cần Thơ đón đợt triều cường lớn nhất trong năm khi mực nước vượt báo động 3, xấp xỉ năm 2022 - năm ghi nhận triều cường kỷ lục ở địa phương này.

Nhiều tuyến đường ở khu vực bến Ninh Kiều chìm trong biển nước, có đoạn ngập sâu gần 1m, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

Vì sao có "lá chắn" nhưng nội ô Cần Thơ vẫn ngập?

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại bến Ninh Kiều có Trạm bơm Châu Văn Liêm với hệ thống bơm 4 máy. Cách đó hơn 1km, dọc theo sông Cần Thơ vào rạch Cái Khế có thêm hệ thống bơm 3 máy là trạm bơm Ninh Kiều hoạt động hết công suất trong thời điểm triều cường. 

Vì sao có nhiều lá chắn nhưng trung tâm Cần Thơ vẫn ngập sâu? - 1

Nước tràn vào nhà các hộ kinh doanh ở khu vực bến Ninh Kiều (Ảnh: Bảo Kỳ).

Điểm lại những mùa triều cường trước đó, trước khi các hệ thống chống ngập triển khai thi công, vận hành, nhiều tuyến đường trung tâm như Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Mậu Thân, một số đoạn Nguyễn Văn Cừ, ven hồ Búng Xáng... cũng là "rốn" ngập của thành phố. Nhưng năm nay, những tuyến đường này lại khô ráo nhưng bến Ninh Kiều lại ngập sâu.

Lý giải "vì sao bến Ninh Kiều chìm trong nước?", ông Nguyễn Văn Tho, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ (chủ đầu tư Dự án 3), cho biết, khi triều cường, nước từ sông Hậu, sông Cần Thơ tràn vào hệ thống cống thoát nước của thành phố rồi tràn lên mặt đường Hai Bà Trưng sau đó lan qua các tuyến đường lân cận. 

Khi triều cường vượt mức báo động 3, mực nước trên sông Hậu vượt 2,2m. Nước không chỉ theo hệ thống cống để vào mà còn một lượng nước rất lớn tràn trực tiếp từ sông Hậu, sông Cần Thơ vào suốt chiều dài hàng trăm mét của bến Ninh Kiều, gây ngập cục bộ khu vực này.

"Lúc này, hai trạm bơm vận hành 20-30 phút là hết nước trong bồn chứa nhưng nước chảy về trạm bơm không đủ để các máy bơm hoạt động đẩy nước ra ngoài", ông Tho cho hay. 

Cũng theo ông Tho, một nguyên nhân nữa khiến bến Ninh Kiều ngập nặng là hệ thống cống ở khu vực này đã quá cũ, nhỏ. Hơn nữa, nhiều ống cống không có cửa van một chiều nên không ngăn được nước chảy ngược từ sông vào.

Cụ thể, trong chuyến khảo sát các cửa van một chiều hồi tháng 9 dọc theo sông Cần Thơ, đoạn từ âu thuyền Cái Khế, đến rạch Cái Sơn - Mương Khai có 14 cửa van đường kính từ 40 đến 60cm không có nắp, một số cửa van khác có nắp thì không kín do vướng rác.

Ông Tho cũng thông tin thêm, thực tế, bến Ninh Kiều ngập không quá lan vào nội ô và thời gian nước rút nhanh hơn vì các hệ thống bơm liên tục bơm nước ra sông khi triều cường hạ.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường ở khu vực bến Ninh Kiều nằm trong gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước 32 tuyến đường (thuộc Dự án 3) cũng đẩy nhanh tốc độ thoát nước. Các cống thoát nước mới này có đường kính nhỏ nhất 0,6m, lớn nhất đến 1,8m.

Loạt dự án từ bờ kè đến cống âu thuyền bảo vệ vùng lõi Cần Thơ

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng Cần Thơ, thời gian qua, những "lá chắn" từ Dự án 3 (kiểm soát ngập cho gần 2.700ha trung tâm quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy) đã phần nào hoàn thành mục tiêu chống ngập cho trung tâm TP Cần Thơ.

Dự án 3 có tổng mức đầu tư khoảng 9.100 tỷ đồng, gồm 3 hợp phần với 46 gói thầu. Đến nay đã hoàn thành 42 gói, các gói còn lại đang thực hiện, tổng khối lượng trên 80%. 

Vì sao có nhiều lá chắn nhưng trung tâm Cần Thơ vẫn ngập sâu? - 2

Các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn vào lúc triều cường (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, các gói thầu tập trung chống ngập gồm: Đường nối đường Cách Mạng Tháng 8 với đường tỉnh 918 có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Tuyến đường dài 5km sẽ hình thành như một bờ đê có bố trí 4 cống ngăn triều.

Tiếp đó là cống âu thuyền Hàng Bàng ở ngã ba rạch Cái Sơn - Mương Khai, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Cống này sẽ chặn dòng nước từ sông Cần Thơ đổ sâu vào rạch Cái Sơn khi triều cường.

Từ âu thuyền Hàng Bàng ngược ra sông Cần Thơ về hạ lưu là cống Đầu Sấu trên con rạch cùng tên, tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Cống này còn có thêm 3 máy bơm, có nhiệm vụ kiểm soát nước từ sông Cần Thơ tràn vào rạch, bảo vệ hai phường An Bình, Hưng Lợi của quận Ninh Kiều.

Vì sao có nhiều lá chắn nhưng trung tâm Cần Thơ vẫn ngập sâu? - 3

Âu thuyền Cái Khế (Ảnh: CTV).

Vẫn dọc theo bờ sông Cần Thơ, công trình kè cao trình 3m và đường sau kè (đường Tầm Vu) dài 1,4km qua hai phường Hưng Lợi và Xuân Khánh, tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng cũng ngăn nước từ sông Cần Thơ đổ vào vùng dự án.

Cho đến bến Ninh Kiều, việc bố trí hai trạm bơm (kinh phí khoảng 30 tỷ đồng) với tổng công suất 3,5m3/giây cùng các bể chứa nước ngầm, đảm bảo thoát nước nhanh cho khu vực bến trong tình trạng ngập nặng. Hai trạm bơm này thuộc gói thầu cải tạo 32 tuyến đường với tổng kinh phí 313 tỷ đồng.

Từ bến Ninh Kiều vào rạch Cái Khế, dự án bố trí cống âu thuyền Cái Khế với tổng kinh phí khoảng 436 tỷ đồng. Cống âu thuyền này sẽ kiểm soát, điều tiết lượng nước vào rạch để bảo vệ vùng lõi trung tâm thành phố.

Ngoài những lá chắn trên, Dự án 3 còn tập trung các gói thầu để cải tạo 14 rạch lớn nhỏ của quận Ninh Kiều. Khi hoàn thành, các rạch này sẽ điều tiết nước tốt hơn khi mưa lớn hay triều cường.

Lãnh đạo UBND quận Ninh Kiều cũng cho biết, đợt triều cường vừa rồi nước không chỉ tràn qua hệ thống cống mà phần lớn tràn trực tiếp từ sông lớn vào. 

Quận từng đề xuất với thành phố phương án chống ngập cho bến Ninh Kiều là xây kè cao hơn hiện tại suốt chiều dài của bến. Có như vậy, nước ngoài sông mới không tràn vào. Nếu nước chỉ tràn qua cống thì máy bơm hoạt động đẩy nước ra ngoài mới hiệu quả.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm