Vì sao chủ xe phải khai báo khi bán, tặng xe?
(Dân trí) - Thông tư 15 của Bộ Công an quy định, từ ngày 1/6 tới đây, người bán, tặng xe phải có trách nhiệm khai báo với cơ quan chức năng. Thông tư này không quy định xe đạp điện phải đăng ký biển số nhưng siết chặt hơn các kiện cấp đổi đăng ký xe.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (CSGT - PC67), Công an TP Hà Nội - cho biết: Chủ xe phải khai khai báo khi tặng, bán phương tiện; chấp hành quy định của pháp luật và Luật Giao thông đường bộ (áp dụng với mọi loại phương tiện thuộc diện phải đăng ký).
“Cần thiết phải khai báo để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cả bên bán và bên mua xe. Trong trường hợp giải quyết những vi phạm liên quan đến tranh chấp, tai nạn giao thông, khởi tố vụ án… nếu phương tiện đã được khai báo chuyển chủ sử hữu phương tiện thì sẽ xác định được đúng người đúng tội” - Đại tá Đào Vịnh Thắng nói rõ.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67 Hà Nội
Về thủ tục khai báo, Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng cho hay: Ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe thì chủ xe phải thông báo bằng văn bản (theo mẫu có sẵn) đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Người dân chỉ cần điền theo mẫu rồi nộp cho cơ quan đăng ký, thủ tục này rất nhanh chóng và gọn nhẹ.
“Trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đã bán, cho, tặng, đến khi tổ chức hoặc cá nhân mua, nhận điều chuyển hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu có tranh chấp, điều tra, khởi tố vụ việc có liên quan đến chiếc xe đã bán, cho, tặng thì chủ xe phải chịu trách nhiệm liên đới” - Đại tá Đào Vịnh Thắng nhấn mạnh.
Trả lời về nhiều ý kiến cho rằng việc đăng ký sang tên là trách nhiệm của người mua xe, phải chăng cơ quan cơ quan quản lý chưa quản lý được số lượng phương tiện phải sang tên chuyển chủ nên dồn cho chủ xe phải có trách nhiệm khai báo bằng cách giàng buộc chủ xe bằng văn bản theo quy định này, Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định không có chuyện đẩy trách nhiệm cho người dân.
Theo thống kê của PC67, từ ngày 15/4/2013 đến 15/5/2014, số lượng xe sang tên chuyển chủ trên địa bàn Hà Nội là 121.410 trường hợp, trong đó có 6.711 xe ô tô và 114.699 xe máy. Quá trình sang tên chuyển chủ phương tiện, phát hiện 815 trường hợp có dấu hiệu vi phạm, 486 trường hợp sử dụng giấy tờ giả, 161 trường hợp xe trộm cắp, 166 trường hợp xe bị đục số khung số máy. |
“Quy định khai báo và thực hiện trách nhiệm khai báo của chủ xe là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chi chính người bán và người mua xe. Quy định khai báo khi bán, tặng xe đã có trong các văn bản trước đó, Thông tư 15 chỉ dẫn lại. Việc thực hiện quy định này cũng có nghĩa là người dân thực hiện trách nhiệm công dân của mình, chấp hành các quy định của pháp luật” - Đại tá Đào Vịnh Thắng lý giải.
Người đứng đầu PC67 Hà Nội cũng cho biết, Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây không quy định xe đạp điện phải đăng ký biển số, việc đăng ký này áp dụng đối với xe ô tô điện và xe máy điện.
So với quy định trong các Thông tư trước đó, Thông tư 15 có nhiều điểm mới, đáng chú ý là quy định là việc cấp lại đăng ký xe sẽ được giải quyết và trả kết quả sau 30 ngày làm thủ tục đăng ký với hồ sơ hợp lệ, không có tranh chấp. Trong 30 ngày, cơ quan chức năng có thời gian xác minh ở 63 tỉnh thành để xác định xem có căn cứ để cấp mới không. Trong khi đó, việc trả kết quả đăng ký lại phương tiện chỉ có 2 ngày - thời gian quá ít nên rất khó để điều tra xác minh, trong quá trình vi phạm giao thông, người vi phạm bị giữ đăng ký, họ lợi dụng quy định này để né phạt bằng cách làm lại đăng ký.
Thông tư 15 quy định việc sang tên chuyển chủ với xe máy đến hết năm 2016, trước đó Thông tư 36 quy định, sang tên đổi chủ đến 31/12/2014 là hết hạn. Tức là Thông tư 15 đã gia hạn thêm 2 năm cho việc sang tên chuyển chủ xe máy.
Khi bán, tặng, cho xe phải khai báo với cơ quan chức năng
Đại tá Đào Vịnh Thắng cho hay, sau khi áp dụng các Thông tư 36, 75, 12 thấy có những phát sinh, hạn chế nên việc ra đời Thông tư 15 ra đời là cần thiết, bổ sung các quy định nhằm phục vụ nhân dân và đáp ứng nhu cầu của như nhân dân, tiếp tục nâng cao một bước nữa trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, quản lý nhà nước và quản lý phương tiện, góp phần phòng ngữa đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện trật tự an toàn giao thông.
“PC67 đã tập huấn cho lượng CSGT đăng ký xe ở 29 quận, huyện và thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Từ 1/6, CSGT phải có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở cho nhân dân biết và thực hiện, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân; khi hướng dẫn cho người dân phải viết vào mặt sau của tờ khai để người dân biết, tránh phải đi lại nhiều lần; chấp hành nghiêm điều lệnh, quy định những điều được làm và không được làm; tăng cường kiểm tra của chi huy các cấp, nhằm phòng ngừa tránh xảy ra sai phạm; nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, tất cả những trường hợp gây khó khăn cho người dân nếu bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm” - Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định.
Châu Như Quỳnh