Vì sao 2.000 tỷ đồng cứu trợ hạn, mặn vẫn chưa thể đến tay dân?

(Dân trí) - Nói về việc chậm giải ngân số tiền 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ cấp bách khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, khi kiểm tra thì mọi người đều làm “tròn vai”, nhưng dân vẫn phải “dài cổ” chờ!

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thở dài: “Chủ trương của Thủ tướng là xử lý cấp bách để giải quyết tình trạng hạn mặn, đơn giản thủ tục để triển khai được ngay. Vậy mà giờ bao nhiêu cà phê, hồ tiêu bị hạn đã chết lâu rồi, đâu thể chờ các bộ họp xong được”.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thở dài: “Chủ trương của Thủ tướng là xử lý cấp bách để giải quyết tình trạng hạn mặn, đơn giản thủ tục để triển khai được ngay. Vậy mà giờ bao nhiêu cà phê, hồ tiêu bị hạn đã chết lâu rồi, đâu thể chờ các bộ họp xong được”.

Sáng 25/8, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với tư cách Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, thực hiện cuộc kiểm tra đầu tiên tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Tại buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng “truy vấn” trực tiếp việc phân bổ 2.000 tỷ đồng khắc phục hạn mặn cho các khu vực bị hán hán, xâm nhập mặn. Đây là một việc cấp bách được giao phải thực hiện ngay. Dù khoản tiền không nhiều, nhưng được xác định là việc cấp thiết, đáng ra phải thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương trong tháng 5, 6 vừa qua nhưng đã để quá hạn.


Bộ trưởng KH&ĐT: Bản thân tôi cũng rất sốt ruột vì sắp đến chu kỳ hạn mặn nữa mà vẫn chưa bất kỳ tỉnh nào rút được 1 xu tiền hỗ trợ.

Bộ trưởng KH&ĐT: "Bản thân tôi cũng rất sốt ruột vì sắp đến chu kỳ hạn mặn nữa mà vẫn chưa bất kỳ tỉnh nào rút được 1 xu tiền hỗ trợ".

Giải thích về sự chậm chễ này, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ KH&ĐT muốn phân bổ đều, mỗi tỉnh bị hạn mặn được khoảng 80 tỷ đồng để giải quyết ngay việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng,… nhưng Bộ NN&PTNT lại muốn đưa một số dự án dang dở của ngành vào để có thêm nguồn vốn thực hiện.

Chính vì vậy, 2.000 tỷ đồng “ách” lại đến nay, họp đi họp lại nhiều lần, cuối cùng phải chấp nhận bổ sung thêm một vài danh mục nhỏ như yêu cầu của ngành nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT không “kéo” tiền vào dự án của mình

Bà Hồng khẳng định, Bộ NN&PTNT không yêu cầu kéo tiền vào dự án dang dở của bộ này và giữa các bộ không hề có mâu thuẫn trong việc giải ngân 2.000 tỷ đồng.
Bà Hồng khẳng định, Bộ NN&PTNT không yêu cầu "kéo" tiền vào dự án dang dở của bộ này và giữa các bộ không hề có mâu thuẫn trong việc giải ngân 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí về nội dung trên, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: Các bộ không hề mâu thuẫn nhau về việc này, Bộ NN&PTNT không yêu cầu dứt khoát phải đưa số tiền trên vào dự án dang dở của bộ này.

Cũng theo bà Hồng, sau khi hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề tại khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL, ngày 30/5, Bộ NN&PTNT dựa trên cơ sở đề xuất của các tỉnh đã lập ngay các danh mục dự án trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ khu vực này, với tổng mức đề nghị là 5.900 tỷ đồng.

Ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính phối hợp rà soát các danh mục đề xuất hỗ trợ nói trên của Bộ NN&PTNT. Đến ngày 20/7, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đã họp bàn về nội dung này.

“Tại cuộc họp hôm 20/7, giữa 3 bộ không hề có mâu thuẫn, tất cả đều thống nhất các tiêu chí do Bộ NN&PTNT đưa ra. Bộ KH&ĐT có đưa ra ý kiến là xem xét những tiêu chí có thể triển khai nhanh, cấp bách, cho phép vừa thực hiện vừa làm thủ tục, nếu không sẽ rất lâu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần phải xin ý kiến của Thủ tướng.

Bộ Tài chính nói rất khó cân đối ngân sách, có nêu 2 phương án đó là: ứng vốn hoặc bổ sung vào kế hoạch 5 năm. Nhưng phía Bộ NN&PTNT cho rằng bổ sung vào kế hoạch 5 năm sẽ không giải quyết được câu chuyện hỗ trợ hạn, mặn ngay lập tức. Mà đưa vào kế hoạch 5 năm thì tháng 10 này Quốc hội mới phê chuẩn được, thì quá lâu” – bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, ngày 10/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp giữa 3 Bộ nói trên và Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng khẳng định dứt khoát phải ứng vốn 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ hạn, mặn khẩn cấp và giao Bộ KH&ĐT rà soát, thống nhất lại các danh mục. Sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã cùng với các phòng ban của bộ này rà soát lại từng danh mục dự án, những dự án nào không kết thúc được ngay hoặc đa nguồn vốn đều bị cắt bỏ.

“Tôi khẳng định là không có chuyện Bộ NN&PTNT yêu cầu là phải đưa vào dự án còn dang dở của chúng tôi. Ngày 17/8, Bộ NN&PTNT đã họp với Bộ KH&ĐT để thống nhất lại các danh mục dự án để trình Thủ tướng, hoàn toàn không hề có mâu thuẫn gì hết” – bà Hồng khẳng định.

Đều làm “tròn vai”, nhưng dân vẫn phải “dài cổ” chờ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Khi kiểm tra lại thì đều làm tròn vai, nhưng không đáp ứng được thực tiễn, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Khi kiểm tra lại thì đều làm "tròn vai", nhưng không đáp ứng được thực tiễn, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.

Cũng liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Khi kiểm tra lại thì các bộ, phòng ban chuyên môn đều làm “tròn vai”. Tuy nhiên, cái “tròn vai” này lại không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, cần coi đây là bài học sâu sắc về từ thực tiễn.

“Người dân cứ dài cổ chờ mãi, chúng ta đều làm “tròn vai” cả, đây là câu chuyện thường gọi là thể chế. Chúng tôi đánh giá rất cao sự đôn đốc của đoàn công tác Chính phủ, đẩy nhanh giải quyết thủ tục của việc này. Bộ ngành được giao nhiệm vụ này phải xử lý cho kịp thời, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Bộ NN&PTNT là Bộ quản lý nhà nước ở lĩnh vực mà có trên 16 triệu hộ sống ở nông thôn, thấy nó chậm cần phải đôn đốc” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Nguyễn Dương