1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
  3. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Vesak 2008 - Đại lễ lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 14 đến 17/5 tới, tại Hà Nội sẽ diễn ra Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008 (Vesak). Đây là một sự kiện Phật giáo quốc tế lớn nhất trong hơn 2 nghìn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Đại lễ tôn giáo quốc tế

 

Đại lễ Vesak Tam Hợp Liên hiệp quốc là một sinh hoạt văn hóa do Liên hiệp quốc (LHQ) khai sinh, chủ xướng, duy trì và triển khai cách đây 9 năm: Ngày 15/12/1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng LHQ, sau khi thảo luận Đề mục 174 của chương trình nghị sự, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức thừa nhận và đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp.

 

Vào năm 2000, đại lễ Vesak LHQ đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên hiệp quốc, New York với sự tham gia của các Đoàn đại diện môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.

 

Từ năm 2004 đến nay, dưới sự bảo trợ của chính phủ Hoàng gia Thái Lan và của Giáo hội Phật giáo Thái Lan, trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn tổ chức 3 lần đại lễ Vesak LHQ và bốn lần hội thảo quốc tế tại Trụ sở LHQ Châu Á Thái Bình Dương và Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan.

 

Năm nay, đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam gồm hơn 600 phái đoàn Phật giáo với 5.000 đại diện.

 

Đề tài chính của ngày Đại lễ Phật đản LHQ là “Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Bên cạnh đó, là những đề tài  như: Sự thay đổi khí hậu toàn cầu, những mâu thuẫn trong gia đình, chiến tranh và hàn gắn, những thay đổi xã hội, vấn đề giáo dục của Phật giáo, Phật giáo nhập thế và Phật giáo trong giai đoạn kỹ thuật số.

 

Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hiệp Quốc (IOC) cho biết: “Đại lễ Vesak 2008 là một biến cố lịch sử Phật giáo quốc tế lớn nhất trong hơn 2 nghìn năm lịch sử Phật giáo của Việt Nam. Đại lễ năm nay sẽ kỷ niệm ngày sinh, ngày Thành Đạo và ngày Nhập Niết Bàn của Đức Thế Tôn của tất cả cộng đồng Phật Giáo. Đây cũng là tôn giáo quốc tế và một ngày văn hoá. Sự kiện này sẽ giúp ích cho sự trao đổi giữa những giá trị Phật giáo từ nhiều quốc gia khác nhau. Tất cả mọi Phật tử sẽ xem Đại lễ này như một cơ hội để loan truyền Thông điệp của Tình Thương, Hoà Bình và Hoà Hợp khắp cả toàn cầu”.

 

Cũng theo GS Thát, đây là một cơ hội để áp dụng những nguyên tắc của Phật giáo để giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới hôm nay. Tất cả mọi người đều trông mong đến ngày Đại lễ này. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình và chắc chắn ngày Đại lễ sẽ là một thành công to lớn.

 

Hoà Thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Việc Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2008 là sự thể hiện đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà Nước Việt Nam, làm cho bạn bè và nhân dân thế giới thấu hiểu về đất nước và con người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, tự do, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết. Đồng thời, khẳng định phật giáo VN luôn luôn đồng hành cùng với vận mệnh của đất nước, của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử’.

 

Đại lễ có sự tham dự của gần 20.000 người

 

Được biết, Đại lễ năm nay quy tụ khoảng 100 quốc gia với 600 đoàn Phật giáo và hơn 5000 người tham dự. Theo Ban Tổ chức, công tác chuẩn bị cho Đại Lễ Vesak 2008 đã hoàn tất.

 

Ngoài những buổi hội thảo chính, trong những ngày diễn ra Đại lễ sẽ có những hoạt động văn hoá văn hoá như triển lãm nghệ thuật, triển lãm thực phẩm và biểu diễn các đoàn xe hoa, những lồng đèn sẽ được thả nổi trên sông và trong không gian, lễ thả bong bóng…

 

Ngày 16/5, sau khi kết thúc Đại lễ sẽ có một buổi thắp đèn sáp để cầu nguyện cho Hoà Bình thế giới với sự tham dự của gần 20 nghìn người.

 

Đặc biệt, tại Đại lễ có buổi hoà nhạc chào mừng do Đại đức Thích Minh Hiền chịu trách nhiệm thực hiện. Với đặc thù một chương trình nghệ thuật mang tinh thần Phật giáo của Việt Nam dành cho khán giả quốc tế, nên các ngôn ngữ trình diễn được sử dụng gồm múa và âm nhạc. 

 

Tác phẩm giao hưởng - hợp xướng mang tên "Khai giác" của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo viết để trình diễn tại Đại lễ sẽ là một tác phẩm có một không hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam với sự tham gia biểu diễn của 450 ca sĩ, vũ công, nhạc công và 50 Tăng sinh Học viện Phật giáo Việt Nam.

 

Bản giao hưởng hợp xướng gồm 7 chương kéo dài 40 phút, dựa trên lịch sử 7 tuần thái tử Shiddarta giác ngộ thành Phật, tìm ra chân lý cứu khổ, giác ngộ, giải thoát, đem lại hòa bình và an lạc cho nhân loại.

 

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Thừa Thiên Huế

 

Tờ mờ sáng ngày 12/5/2008 hàng ngàn Phật tử và khách du lịch tại Huế đã đến thắp hương cầu nguyện, tham dự lễ tắm Phật tại chùa Diệu Đế, một trong 3 lễ đài chính tôn vinh Đức Phật đản tại TP Huế. Đây là hoạt động mở đầu cho Đại lễ Phật đản diễn ra tại Thừa Thiên - Huế.

 

Đại lễ Vesak tại Huế (Thừa Thiên-Huế) được tổ chức với 19 lễ đài kỷ niệm Đức Phật đản sanh đặt tại các huyện, thành phố. Trong đó, có 3 lễ đài chính đặt tại chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm và đài quần chúng tại Thương Bạc. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động nghi lễ chính của lễ hội, đồng thời làm nơi tổ chức thuyết giảng và biểu diễn văn nghệ trong suốt thời gian lễ hội từ 12/5 đến hết ngày 19/5 (tức từ 8/4 đến 15/4 âm lịch).

 

Đặc biệt, năm nay nhằm tạo điểm nhấn trong dịp Đại lễ, các tăng ni trẻ ở Thừa Thiên Huế đã có ý tưởng thiết lập bảy đóa sen khổng lồ lớn nhất từ trước đến nay đặt trên dòng sông Hương với chủ đề "Bảy đoá sen vàng nâng gót tịch". Mỗi đoá sen có đường kính vòng cánh sen ngoài cùng là 7m, cao 2,5m, cấu tạo 3 lớp, trọng lượng khoảng 250kg. Chất liệu chính để thực hiện tác phẩm này là sắt để làm khung, vải hồng làm cánh sen, 8 bóng đèn neon được bố trí bên trong để thắp sáng hoa vào ban đêm. Những đoá sen này sẽ được đặt trên bệ phao, thả nổi giữa sông Hương từ cầu Phú Xuân đến cầu Bạch Hổ.     

 

Hoài Lương

 

 

Hồng Hạnh