Vedan hoàn tất thỏa thuận bồi thường với nông dân 3 tỉnh

(Dân trí) - Dù còn 1 hộ dân quyết khởi kiện nhưng Hội Nông dân Đồng Nai và Vedan vẫn ký kết thỏa thuận bồi thường. Đồng Nai chấp nhận số tiền bồi thường thiệt hại 120 tỷ đồng do hành vi xả thải gây ô nhiễm sông Thị Vải của Vedan gây ra.

Vedan hoàn tất thỏa thuận bồi thường với nông dân 3 tỉnh - 1
Vedan thảo luận trước khi ký biên bản thỏa thuận bồi thường

Chiều 10/9, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, Hội Nông dân huyện Long Thành, Nhơn Trạch, đại diện các sở, ngành của tỉnh và Công ty TNHH Vedan Việt Nam đã có buổi họp thỏa thuận về số tiền bồi thường thiệt hại.

Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tại có 5.043 hộ dân chấp nhận số tiền đền bù 120 tỷ đồng và rút đơn khởi kiện Vedan. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất chính là vẫn còn 1 hộ dân kiên quyết khởi kiện Vedan ra tòa án.

Đó là hộ bà Trần Thị Ái Ngọc, đại diện Công ty TNHH Viễn Đông (xã Long Phước, huyện Long Thành). Bà Ngọc khiếu kiện đòi Vedan bồi thường thiệt hại trên diện tích 28 ha tại xã Long Phước (trong đó có 9 ha thâm canh và 19 ha quảng canh).

Căn cứ theo con số tính toán của Viên Môi trường - Tài nguyên, bà Ngọc sẽ được đền bù 900 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Ngọc kiên quyết khiếu kiện đòi Vedan đền bù thiệt hại với số tiền 17 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành cho biết: “Chúng tôi đã tích cực vận động nhưng hộ này không đồng ý số tiền bối thường và quyết khởi kiện. Diện tích 28 ha mà bà Ngọc khởi kiện nằm trong vùng tính toán. Tôi đã gọi điện hỏi thêm lần nữa nhưng bà Ngọc vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Chúng tôi đã vận động tích cực nhưng việc bà ấy khởi kiện là quyền của bà, chúng tôi không ngăn cản được”.

Quan điểm của các bên đưa ra trong buổi họp là không vì một tổ chức khiếu kiện mà kéo dài sự việc, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 5.000 hộ dân khác. Sau buổi họp, các bên đã thống nhất ký biên bản thỏa thuận bồi thường thiệt hại, Hội Nông dân Đồng Nai chấp nhận số tiền bồi thường 120 tỷ đồng của Vedan.

Về trường hợp của Công ty TNHH Viễn Đông, biên bản ghi rõ, nếu công ty này không đồng ý nhận tiền, các bên tham gia ký kết biên bản thỏa thuận sẽ phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng sẽ giải quyết sau.

Trong trường hợp Công ty TNHH Viễn Đông vẫn không chấp nhận, tiếp tục khởi kiện, thì vụ việc sẽ do Tòa án giải quyết. Các bên tham gia ký kết biên bản thỏa thuận này, cùng với chính quyền, các cơ quan chức năng và Viện Môi trường - Tài nguyên sẽ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo biên bản thỏa thuận, Vedan cam kết bồi thường các khoản thiệt hại gồm: Bồi thường thiệt hại cho nhân dân 2 xã Long Thọ, Phước An thuộc huyện Nhơn Trạch số tiền hơn 88,8 tỷ đồng và xã Long Phước, Phước Thái huyện Long Thành số tiền là 30,7 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền gần 120 tỷ đồng.

Do phạm vi và mức độ điều tra xác minh, thống kê thiệt hại ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch đòi hỏi khối lượng công việc và chi phí nhiều, Vedan đồng ý thanh toán cho các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai chi phí điều tra, xác minh thiệt hại 1 tỷ đồng.

Vedan cam kết thanh toán toàn bộ số tiền trên chia làm 2 đợt. Đợt 1: Chậm nhất 7 ngày, kể từ ngày ký biên bản cam kết, Vedan thanh toán 50% số tiền bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của các hộ dân và 1 tỷ đồng chi phí điều tra, xác minh thiệt hại. Đợt 2: Chậm nhất đến ngày 14/1/2011, Vedan thanh toán dứt điểm toàn bộ số tiền hơn 59,5 tỷ còn lại.

Nhằm đảm bảo cho việc thanh toán số tiền đợt 2, Vedan được sự bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng Bangkok chi nhánh TPHCM. Thư bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng sẽ được phía Vedan Việt Nam gửi đến cho Hội Nông Dân tỉnh Đồng Nai chậm nhất 7 ngày, kể từ ngày ký biên bản cam kết này.

Như vậy, tính đến thời điểm này nông dân của 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM đã chấp nhận số tiền bồi thường thiệt hại của Vedan.

Công Quang