1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Về thăm “xứ sở gà 9 cựa”

Bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) gồm 77 hộ dân người Dao đang nắm giữ trong tay “báu vật” được nhiều người cho là có từ thời Hùng Vương: Giống gà 9 cựa. Tuy nhiên, giống gà này đang ngày một vắng bóng dần, có nguy cơ tuyệt chủng.

Trưởng bản Đặng Vĩnh Phúc hồ hởi cho biết: “Nhiều người không quản ngại đường xa, tìm vào tận bản nhỏ trong rừng già này để xem gà nhiều cựa. Giá không có giống gà nhiều cựa, chắc chẳng ai biết đến bản Cỏi nghèo khó này”.

 

Rồi ông Phúc khoát tay: “Trong chuồng gà nhà Bàn Văn Hùng, Đặng Thế Toàn, Triệu Văn Khoa, Bàn Văn Thiều… từng có cả vài chục con gà nhiều cựa, nhốt đầy chuồng. Nó là giống gà của người Dao, có từ xa xưa, khi tôi lớn lên đã thấy nó rồi. Trước đây nhà nào trong bản cũng nuôi, ít thì có chục con, nhiều cũng chỉ khoảng vài ba chục. Nhưng hình như tôi thấy chúng chỉ có từ 6 đến 8 cựa thôi, hiếm khi thấy gà 9 cựa lắm”.

 

Nhiều người dân vui chuyện bên bình rượu của người Dao mà ông Phúc đem ra đãi khách cũng thừa nhận: “Gà 9 cựa thường thì vài năm mới thấy xuất hiện một con. Giống này lạ lắm, muốn nhân rộng ra để nuôi nhiều hơn cũng không được, mỗi nhà nuôi chừng ấy con cầm chừng thôi. Nhưng giống gà cũng chẳng tự nhiên mất đi, tồn tại bao đời nay rồi. Không rõ có phải nó chỉ hợp với đất này hay không, nhưng thực tế là chỉ gà bố mẹ nhiều cựa thì mới sinh ra gà con nhiều cựa. Nhiều người dưới xuôi lên xin giống mang đi nơi khác, nhưng hoặc là gà chóng chết, hoặc là đẻ trứng ra, cho ấp nở thì gà con cũng chẳng thấy có nhiều cựa”.

 

Chúng tôi ngắm nhìn mấy con gà nhiều cựa, thân hình mảnh dẻ, mang dáng dấp của gà rừng trong chuồng nhà ông Phúc, tự hỏi không rõ nó có liên quan gì đến lễ vật thách cưới “voi 9 ngà, gà 9 cựa” thời Hùng Vương không? Chỉ biết, chúng vẫn sinh ra và lớn lên tự nhiên với thức ăn của đồi núi, hiếm khi được chủ nhà tung cho nắm gạo. Tự kiếm ăn, tự về chuồng… bình thường như các loại gà trong vườn nhà nông khác.

 

Chúng tôi hỏi trưởng bản Phúc: “Thịt gà 9 cựa ăn có khác thịt gà thường?”. Ông Phúc cười: “Thịt gà này thơm, giòn, phảng phất vị ngọt lịm, khác biệt hẳn so với giống gà khác. Ăn một miếng thì nhớ mãi đấy”. 

 

Ông Phúc bảo: “Năm nay gà nhiều cựa hiếm rồi, bởi chẳng hiểu sao, nó đồng loạt lăn ra chết vào tháng 7 năm ngoái. Có người tiếc của đem chọn mấy con to làm thịt, còn thì vứt hết ngoài bìa rừng. Hết dịch, tôi đi kiểm tra lại thì các chuồng gà của cả bản Cỏi chỉ còn không tới 50 con gà nhiều cựa. Cách đây vài tháng, đám gà sót lại này lại tiếp tục lăn ra chết, vẫn do ốm như đợt trước... Không rõ có phải là dịch cúm gia cầm mà báo đài vẫn nói hại chúng không?”.

 

Sau hai đợt dịch, số gà nhiều cựa trong bản Cỏi đang vơi dần, hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhà ông Phúc còn ba con, đang nuôi giấu trên nương của gia đình, tít sâu trong núi.

 

Biết các cán bộ của Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) từng vào bản mua nhiều gà về để nuôi, chúng tôi tìm đến ông Trần Đăng Lâu, Giám đốc Vườn để hỏi thăm. Ông Lâu cho biết: “Chúng tôi chưa nghiên cứu tường tận được tại sao giống gà 9 cựa lại có nhiều ở bản Cỏi, mà không thấy xuất hiện ở các vùng khác”.

 

“Phải chăng là một sự ngẫu nhiên của thiên nhiên, hay có những “bí ẩn” nào khác mà chúng ta chưa biết? Có thể bản Cỏi nằm liền kề với một khu rừng nứa thuộc họ cỏ, là nguồn thức ăn lý tưởng, đặc biệt cho gà 9 cựa mà không phải nơi nào cũng có. Bên cạnh đó, nguồn nước ở Bản Cỏi từ trong núi đá vôi hàm lượng canxi lớn chảy ra, rất sạch, phải chăng tạo nên những sự đột biến về xương (cựa gà) đó chăng?”.

 

Ông Lâu còn cho biết thêm: “Cách đây chừng 10 năm, khi phát hiện ra giống gà nhiều cựa này, Vườn đã nghĩ ngay đến truyền thuyết “Hùng Vương thứ 18 kén rể”, nên cũng để tâm nghiên cứu. Nhưng nay nhiều người từ xa tìm đến tận bản Cỏi tìm mua gà nhiều cựa, họ trả giá cao, thậm chí là tiền triệu để mua bằng được, nên gà cứ thưa thớt dần đi.

 

Cộng với dịch bệnh, nguy cơ mất đi giống gà quý này là rất cao. Chúng tôi đã bí mật sưu tầm được một số cá thể gà nhiều cựa, tìm cách bảo tồn để nhân giống và thử nghiệm nuôi ở một vùng sinh thái khác...”.

  

Theo Gia Linh

Công an Nhân dân