Vệ sinh môi trường TPHCM đang đến hồi “bi kịch”

Báo cáo kết quả giám sát của Ban kinh tế - ngân sách HĐND TPHCM cho biết: Tình hình vệ sinh môi trường của TP đang đến hồi “bi kịch”. Nguy cơ môi trường ngày càng xấu đi là hoàn toàn có thật...

Sẽ không còn đất để chôn rác

 

Ban kinh tế - ngân sách cho biết hằng ngày TP xử lý 4.780 tấn rác sinh hoạt; 0,8 tấn rác y tế; 1.615 tấn xà bần; 0,4 tấn rác công nghiệp. Đa số lượng rác này được chuyển đến hai công trường chôn lấp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp và Gò Cát. Vừa qua, cả hai công trường này đều gặp sự cố kỹ thuật.

 

Công trường Phước Hiệp (huyện Củ Chi) có tổng diện tích 43 ha, cách trung tâm thành phố khoảng 37 km, công suất tiếp nhận và xử lý 3.000 tấn rác/ngày, phía đông bắc của khu chôn lấp rác đã bị trượt lở bờ bao rất nghiêm trọng.

 

Còn công trường Gò Cát (quận Bình Tân) có tổng diện tích 25 ha, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km, công suất thiết kế 3,6 triệu tấn nhưng khối lượng rác xử lý đến nay đã là 4,3 triệu tấn. Hiện nay, khâu xử lý nước rỉ rác đang có vấn đề nhưng vẫn phải tăng công suất tiếp nhận từ 2.000 tấn/ngày lên 3.000-3.500 tấn/ngày để hỗ trợ cho công trường xử lý chất thải rắn Phước Hiệp. Do vậy, nước rỉ rác tăng đột biến từ 400 lên 600 m³/ngày. Sự quá tải đã dẫn đến những hậu quả xấu về mặt môi trường, mùi hôi nồng nặc bay xa hàng cây số.

 

Ban kinh tế - ngân sách kết luận giải pháp xử lý rác bằng chôn lấp có ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe của người dân cả hiện tại lẫn tương lai. Trong khoảng 10 năm nữa TP sẽ không có đủ diện tích đất để chôn lấp rác.

 

Nước thải: đổ trực tiếp ra kênh rạch

 

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường sáu tháng đầu năm 2006 của Sở Tài nguyên - môi trường cho biết chất lượng không khí tại khu dân cư của TP vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép, tuy nhiên các chỉ tiêu cụ thể như bụi, tiếng ồn... vượt tiêu chuẩn cho phép. Hệ thống kênh tiêu thoát nước trong nội thành tiếp tục bị ô nhiễm nặng; nhiều dòng kênh nước đen kịt, cạn tới đáy, nồng nặc mùi hôi. Điển hình kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã trở thành kênh “chết” vì không còn khả năng tự làm sạch.

 

Theo Ban kinh tế - ngân sách, chỉ có khoảng 65% lượng nước thải công nghiệp được xử lý trước khi thải ra ngoài và cũng chỉ có 6/15 khu chế xuất, khu công nghiệp là có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Khu công nghiệp Tân Bình sau 10 năm hoạt động, đến tháng 8/2006 mới vận hành nhà máy xử lý nước thải chung. Còn trước đó, các doanh nghiệp dệt, nhuộm đưa nước thải trực tiếp ra sông rạch. Chợ Bình Điền đã được đưa vào hoạt động giai đoạn 1, nhưng trạm trung chuyển rác và xử lý nước thải phải đến giai đoạn 2 mới được hoàn tất (đến nay chưa triển khai giai đoạn 2).

 

Đáng báo động không ít cơ sở sản xuất được di dời vào các khu công nghiệp dù đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn thải trực tiếp ra kênh rạch. Nguyên nhân, một số các cơ sở sản xuất xây dựng hệ thống xử lý nước thải chỉ để đối phó với cơ quan chức năng; một số cơ sở không xây dựng hệ thống xử lý nước thải vì sợ tốn kém và nếu bị phạt hành chính thì chỉ 1-2 triệu đồng.

 

Liên quan đến nước thải y tế, Ban kinh tế - ngân sách cho biết qua các mẫu xét nghiệm của Sở Tài nguyên - môi trường, nước thải y tế thành phố bị ô nhiễm nặng về hữu cơ và vi sinh (chất rắn lơ lửng vượt 2,5-3 lần, hàm lượng vi sinh cao gấp 100-1.000 lần tiêu chuẩn cho phép...). Ngoài ra chưa kiểm soát được nguồn nước thải độc hại từ các dịch vụ y tế, xét nghiệm, khám chữa bệnh. Hiện nay mỗi ngày các bệnh viện, trung tâm y tế thải ra khoảng 17.000 m3 nước nhưng chỉ có khoảng 3.000 m3 nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

 

Do không có chuyên môn về thiết kế xây dựng và thiếu dự báo tốc độ phát triển của các bệnh viện nên nhiều trạm xử lý nước thải y tế vừa xây xong đã không đáp ứng được nhu cầu. Bệnh viện Mắt TP mặc dù có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không có chuyên môn về vận hành, bảo trì nên chỉ sau 2-3 năm hoạt động đã không bảo đảm chất lượng. Bệnh viện An Bình đầu tư trên 800 triệu đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng hoạt động chưa được hai năm đã không sử dụng được.

 

Nước ngầm nhiễm bẩn

 

Tại các khu vực có cụm công nghiệp, nhiều cơ sở khai thác nước ngầm (các quận 11, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh) đều bị ô nhiễm bởi các hợp chất nitơ. Số liệu quan trắc từ năm 2000 đến nay cho thấy mỗi năm mực nước ngầm hạ thấp 2-3 m và đang có xu hướng hạ thấp nhanh, cá biệt tại Tân Tạo (quận Bình Tân) kết quả quan trắc lần 2-2006 cho thấy mực nước đã chênh lệch 3,1 m so với quan trắc lần 1 (tháng 3/2006). Mức độ mặn, nhiễm mặn tại Tân Tạo cũng tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2005.

 

Mực nước hạ xuống quá sâu kéo theo một số hậu quả như sự xâm nhập mặn và các chất ô nhiễm vào tầng chứa nước, nguy cơ sụt lún mặt đất do tầng chứa nước bị tháo khô. Trong khi đó, lượng nước ngầm bổ sung tự nhiên hiện nay chưa tới 200.000 m3/ngày, tức chưa bằng 1/3 lượng nước khai thác, lượng nước bổ sung ngày càng khan hiếm do bề mặt đất bị bêtông hóa vì tốc độ đô thị hóa quá nhanh.

 

Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, mực nước ngầm tụt nhanh trong thời gian gần đây sẽ phá vỡ hệ cân bằng tự nhiên, thay đổi về thủy lực nước ngầm và cả nước mặt.

 

Theo Lê Anh Đủ
Tuổi Trẻ