Thanh Hóa:

Về nơi từng là “thủ phủ cây thuốc phiện”

(Dân trí) - Nhắc đến Pù Nhi, nơi đây một thời từng là con đường trung chuyển ma túy, là địa phương từng được mệnh danh là "thủ phủ cây thuốc phiện". Giờ đây, khi cây thuốc phiện bị triệt phá, bà con đã hết thiếu cái ăn...

Đua nhau vào rừng trồng cây thuốc phiện

Vào những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều bản làng của xã Pù Nhi người dân đua nhau trồng cây thuốc phiện. Dường như diện tích trồng cây thuốc phiện nhiều hơn cây ngô, cây sắn. Thậm chí nhiều diện tích rừng đã bị người dân lấn chiếm để lấy đất trồng cây thuốc phiện.

Cụ Hơ Chả Rế, bản Cơm, xã Pù Nhi từng vào rừng trồng cây thuốc phiện.
Cụ Hơ Chả Rế, bản Cơm, xã Pù Nhi từng vào rừng trồng cây thuốc phiện.

Trong đó nhiều nhất phải kể đến bản Cơm, bản bày được mệnh danh là “bản thuốc phiện”, người dân trong bản thi nhau vào rừng sâu ở hàng tháng trời để trồng và thu hoạch cây thuốc phiện.

Cây thuốc phiện thường được người dân trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ, đất tơi xốp thì cây mới phát triển mạnh và cho nhiều mủ được.

Hàng năm, từ tháng 9 đến tháng 10 là người dân bắt đầu gieo hạt, đến tháng 3 năm sau thì người dân trong các bản bắt đầu vào rừng thu hoạch, có những người vào ở hẳn trong rừng để thu hoạch, đến khi bán hết mủ mới trở về bản. Mỗi sào cây thuốc phiện để thu hoạch xong thì phải mất từ 4 đến 7 ngày.

Đến mùa thu hoạch, các đối tượng từ bên Lào và những đối tượng ở miền xuôi lên mua. Người dân trồng cây thuốc phiện vừa bán kiếm tiền, vừa để lấy thuốc sử dụng. Nhiều gia đình, cả nhà kéo nhau vào rừng dựng chòi ở để trồng cây thuốc phiện, thậm chí đến ngày tết cũng không về nhà.

Cụ Hơ Chả Rế, bản Cơm, xã Pù Nhi từng vào rừng trồng cây thuốc phiện.
Ông Chá Văn Súng có "thâm niên" hàng chục năm nghiện nhưng đã nỗ lực cai nghiện trở thành người có ích cho xã hội.

Vào những năm đó, người dân thấy việc bán mủ cây thuốc phiện có nhiều tiền nên không mấy tập trung vào việc trồng ngô, lúa để lấy lương thực cho gia đình.

Cụ Hơ Chả Rế (75 tuổi), ở bản Cơm, xã Pù Nhi kể: “Ngày đó tao cũng không nhớ tao bao nhiêu tuổi, thấy mọi người rủ vào rừng trồng cây thuốc phiện được nhiều tiền nên tao đi thôi. Lúc đó cả bản đi chứ không riêng gì tao. Vợ tao rồi Hơ Thị Sua, Hơ Nọ Ra…đi cùng một nhóm vào trừng phát rẫy trồng cây thuốc phiện. Rồi thấy mấy đứa bảo hút thuốc này khỏe nên tao hút, rồi dần dần tao bị nghiện. Nhưng giờ thì không lấy đâu ra thuốc mà hút nữa rồi”.

Ngày ấy, ở nhiều bản làng, số người nghiện thuốc phiện rất nhiều. Không chỉ các già làng mà cả nhiều thanh niên cũng nghiện thuốc. Nhưng từ ngày, bà con nhận thức được tác hại của thuốc phiện nên nhiều người đã cai. Có những người nghiện hàng chục năm ông Chá Văn Súng (55 tuổi), ở bản Hua Pù), người có “thâm niên” gần 40 năm nghiện “cái chết trắng” nhưng giờ đã trở lại là người có ích của xã hội.

Những nương ngô trải rộng xanh ngút ngàn.
Những nương ngô trải rộng xanh ngút ngàn.

Anh Hơ Chu Chính - Trưởng bản Cơm cho hay: “Trước đây khi việc trồng cây thuốc phiện chưa bị nhà nước cấm thì dân ở đây đi trồng rất nhiều. Có thời điểm cả bản chỉ còn những đứa trẻ con ở nhà trông nhà, còn người lớn thì kéo nhau vào rừng phá rẫy trồng cây thuốc phiện”.

Hết cây thuốc phiện, bà con hết đói!

Xã Pù Nhi có hàng chục km đường biên giới với nước bạn Lào, có 11 bản làng với 6 dân tộc anh em chung sống. Trước kia, xã có trên 80% gia đình thuộc diện hộ nghèo đói. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các chiến sỹ biên phòng và nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế mà đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 58%.

Ông Lường Văn Xích (bìa phải) - Chủ tịch xã Pù Nhi chia sẻ về những thay đổi của địa phương .
Ông Lường Văn Xích (bìa phải) - Chủ tịch xã Pù Nhi chia sẻ về những thay đổi của địa phương .

Từ khi Nhà nước cấm trồng, sử dụng thuốc phiện, vẫn có một số người lén lút trồng và sử dụng thuốc phiện. Tuy nhiên, các chiến sĩ Biên phòng phối hợp cùng chính quyền địa phương đã đến từng gia đình vận động, tuyên truyền về tác hại của việc trồng và sử dụng thuốc phiện.

Được cán bộ tuyên truyền, vận động, người dân nơi đây đã dần nhận thức, thay đổi suy nghĩ và làm theo lời cán bộ nói. Những nương rẫy trồng cây thuốc phiện đã bị triệt phá, thay vào đó là những nương ngô, nương sắn... Người dân không còn kéo nhau vào rừng trồng cây thuốc phiện, tỷ lệ người nghiện cũng theo đó giảm đi rõ rệt. Từ con số 200 người nghiện từ năm 2005 trở về trước thì đến nay cả xã chỉ còn 27 người nghiện, trong đó có 6 người nghi nghiện ma túy.

Giờ đây bà con không còn lo đói cái ăn nữa.
Giờ đây bà con không còn lo đói cái ăn nữa.

Trưởng bản Hơ Chu Chính khoe: “Trước đây, khi bà con còn vào rừng trồng cây thuốc phiện thì cả bản không có hộ nào đủ cái ăn, cái mặc. Sau khi Nhà cấm trồng cây thuốc phiện thì cuộc sống của bà con đã thay đổi. Cả bản có 123 hộ thì chỉ còn 69 hộ thuộc diện hộ nghèo, cả bản còn 20 hộ thiếu ăn trong mùa giáp hạt. Bây giờ nhà nào cũng có xe máy, có vài hecta nương rẫy để trồng ngô, trồng lúa, con em được đến trường học cái chữ”.

Ông Lường Văn Xích - Chủ tịch xã Pù Nhi cho biết: “Do trình độ dân trí thấp, bà con chưa hiểu hết tác hại của việc trồng, buôn bán, vận chuyển ma túy. Thế nhưng hiện nay, vấn nạn trồng cây thuốc phiện đã được dẹp bỏ. Để kinh tế của bà con có được như ngày hôm nay, đó là cả một quãng đường dài đấu tranh không mệt mỏi của cán bộ, chính quyền địa phương đối với các thành phần xấu. Bà con bây giờ không còn đói ăn, đói mặc nữa, kinh tế đang trên đà phát triển”.

Duy Tuyên