Thanh Hóa:
Về nơi "bão ma túy" quét qua
(Dân trí) - Mường Lát là một huyện vùng cao có số dân không đông nhưng lại là huyện có số người nhiễm AIDS cao đứng thứ 4 toàn tỉnh Thanh Hóa (sau TP. Thanh Hóa, Bỉm Sơn và Quan Hóa). Hơn chục năm trước, hầu hết các xã trên địa bàn Mường Lát là nơi “tâm bão” ma túy hoành hành.
"Bão ma túy" chưa tan
Ẩn sau không khí vắng lặng đến buồn tẻ của bản Tà Cóm (xã Trung Lý) là sóng ngầm của cơn “bão trắng” đã và đang hoành hành nơi đây từ nhiều năm nay. Cũng vì ma túy mà bao nhiêu năm, Tà Cóm vẫn không thoát khỏi đói nghèo.
Trưởng bản Thào A Thái buồn bã khi kể câu chuyện bản làng. Cả bản 100% người H’Mông và cũng gần 100% số hộ trong bản Tà Cóm thuộc diện hộ nghèo.
Ngoài nguyên nhân đất đai cằn cỗi ra thì việc có quá nhiều người nghiện ma túy cũng là nguyên nhân khiến nơi đây cứ mãi nghèo bền vững. Những người mắc nghiện thường tiêu tán hết tài sản, sức khỏe giảm sút, lười lao động.
Cả bản Tà Cóm hiện có trên 50 người nghiện ma túy, người trẻ nhất là sinh năm 1996. Điều đáng buồn là có gia đình cả hai vợ chồng cùng nghiện, có gia đình cả bố và con hoặc cả 3 anh em đều dính vào ma túy.
Trưởng bản Thái liệt kê một loạt các gia đình có 2-3 người nghiện như vợ chồng nhà Hờ A Su; vợ chồng Sùng A Dơ, vợ chồng Phàng An Chỉnh, Hạng Thị Xua đều nghiện ma túy; ba bố con nhà Sùng A Nênh thì cả 3 bố con đều nghiện; rồi ba anh em nhà Sùng A Thanh; ba anh em nhà Thào A Tính…
“Những nhà này cứ lên rẫy kiếm được đồng nào thì đốt vào ma túy đồng nấy. Chỉ thương mấy đứa trẻ con, mới 2-3 tuổi đã phải sống vật vờ, bữa đói bữa no” – Trưởng bản Thái tâm sự.
Thực tế, tệ nạn ma túy khiến không ít gia đình ở Tà Cóm lụi bại, tan nát, cha, mẹ, con cái phải chia lìa, ly tán. Bản thân ông Thái cũng đang phải cưu mang một người con nuôi do mẹ cháu bị nghiện, bố bị đi tù do dính đến ma túy rồi chết trong tù. 4 anh chị em của cháu bé này được những người anh em trong họ nhận nuôi dưỡng.
Hàng chục trẻ mồ côi
Tại bản Poọng (xã Tam Chung), cơn bão ma túy tràn về làng ít năm về trước đã cướp đi gần hết trai làng, con lớn lên không nhớ nổi mặt cha. Theo thống kê năm 2010 bản Pọong có đến 40 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn phần đông là do bố chết do sử dụng ma túy, có nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ do bố lây nhiễm sang mẹ.
Em Hà Văn Thương (SN 2006), nhưng đã mồ côi cả bố lẫn mẹ. Bố em chết do sử dụng ma túy, mẹ thì chết không rõ nguyên nhân. Hiện nay, Thương phải ở với người bác ruột là Hà Thị Nêu. Cách đó không xa, em Lò Văn Thuyền (SN 2006) cũng mồ côi cả bố lẫn mẹ khi mới lên 2 tuổi. Hiện hoàn cảnh của Thuyền vô cùng khó khăn.
Tuổi thơ của Thương và Thuyền hầu như không có sự hiện diện của bố mẹ. Em lớn lên như cây cỏ bên người thân. Khi cái ăn, cái mặc chưa được đủ đầy thì con đường đến trường của em cũng lắm gian nan.
Khác với hoàn cảnh của Thương và Thuyền, hai em Vi Văn Thắng và Hoàng Văn Tuất, 12 tuổi nhưng bố đã mất từ lâu, mẹ lại bỏ đi làm ăn xa, nên không có người thân nuôi dưỡng. Rất may, thời gian này, 2 em được Đồn Biên phòng Tam Chung nhận về nuôi dưỡng đến hết năm 18 tuổi.
Ông Hoàng Văn Xùm, Trưởng Công an xã Tam Chung cho biết: “Từ năm 1993, trên địa bàn xã có nhiều đối tượng đến dụ dỗ bà con mua bán ma túy khiến nhiều người dân bị nghiện, gia đình tan hoang. Đặc biệt, trên địa bàn xã số người chết vì sử dụng ma túy ở độ tuổi lao động chính khá cao.
Cụ thể, tính từ năm 2004 đến năm 2010, bản Pọong có 36 người nghiện thì có đến 31 người chết, bản Lát có đến 47 người chết do sử dụng ma túy… thực trạng này khiến cho địa phương trở thành xã có nhiều trẻ mồ côi nhất trong tỉnh, trong số này có nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ”.
Được biết, tính đến tháng 4/2018, xã Tam Chung có 92 người nghiện. Trong đó, bản Lát có tới 41 người, bản Pọong có 5 người, bản Cân có 14 người, bản Tân Hương có 5 người, bản Suối Lóng có 1 người, bản Ón có 26 người.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, đến thời điểm 25/5/2018, lũy tích nhiễm HIV toàn huyện là 503 người, số đang còn sống quản lý được là 259 người, 174 người tử vong do AIDS.
Số ca nhiễm HIV mới được được phát hiện những tháng đầu năm 2018 là 2 trường hợp, địa bàn có người nhiễm HIV bao phủ 9/9 xã, thị trấn; 38/90 thôn bản có người nhiễm HIV đang còn sống.
Bình Minh