1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Về làng tỉ phú kỳ nam

Thông tin về một nhóm người ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc - Quảng Nam trúng đậm kỳ nam bán được gần 200 tỉ đồng đã khiến cho cơn sốt tìm trầm ở địa phương này sôi sùng sục

Khoảng 10 ngày nay, hàng ngàn người ở các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Phước Sơn - Quảng Nam đã đổ xô lên những cánh rừng ở Gia Lai, Kon Tum tìm trầm với hy vọng đổi đời. Trong khi đó, những người trúng đậm kỳ nam ở xã Đại Nghĩa lại đang sống trong thắc thỏm âu lo vì nhiều nhóm giang hồ thường xuyên đến hăm dọa, xin đểu.

Tìm củi, gặp… kỳ nam

Dù ông Cao Văn Nhạc, Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, đã đích thân đưa chúng tôi đến nhà Nguyễn Văn Sỹ (16 tuổi, ngụ thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, người đầu tiên tìm thấy gốc cây chứa kỳ nam) nhưng phải mất vài chục phút thuyết phục, cậu ta mới chịu mở cửa tiếp khách.

Sỹ cho biết gia đình có 3 anh em, cậu là con trai lớn. Năm 1999, cha Sỹ trong lúc đi tìm trầm ở Gia Lai đã bị nước lũ cuốn trôi, bỏ mạng trong rừng sâu. Hơn 3 ngày sau, những người tìm trầm mới tìm thấy thi thể ông.
 
Dù cha gặp nạn như vậy nhưng vì gia đình quá nghèo khó, Sỹ vẫn nằng nặc xin mẹ cho theo chú ruột là ông Nguyễn Đường vào rừng tìm trầm với hy vọng sớm đổi đời.
 
Mãi đến đầu tháng 5/011, mẹ Sỹ mới đồng ý cho Sỹ theo chú đi tìm trầm. Không ngờ ngay trong lần đi đầu tiên này, Sỹ là người tìm thấy kỳ nam và trở thành tỉ phú.
 
Về làng tỉ phú kỳ nam - 1
Nguyễn Văn Sỹ, tỉ phú kỳ nam khi mới 16 tuổi. Ảnh: Vân Anh
 
“Hơn nửa tháng trời lội nát nhiều cánh rừng ở An Khê - Gia Lai, cả nhóm 7 người bọn em vẫn chưa tìm thấy gì. Chiều 14/6 em được phân công ở lại lán trại để nấu cơm cho cả nhóm ăn. Trong lúc kiếm củi, em phát hiện một gốc cây gỗ lớn đã mục. Nghi ngờ, em chặt một miếng đem về đốt thử thì thấy có mùi thơm. Khi cả nhóm trở về, em kể lại chuyện này. Chú Đường liền đến chỗ đó, đào xuống chừng 5 cm ở gốc cây mục thì phát hiện kỳ nam. Cả nhóm mừng quá la rú lên, kẻ cười, người khóc” - Sỹ kể.
 
Sau khi đào được chừng 20 kg kỳ nam, cả nhóm liền ra khỏi rừng ngay trong đêm rồi đón xe về Đại Nghĩa. Nhóm của Sỹ đã bán số kỳ nam này cho một người buôn trầm ở Khánh Hòa với giá từ 6-9 tỉ đồng/kg.
 
“Mấy chú đưa trước cho em 1 tỉ đồng để tiêu xài và nói số tiền còn lại sẽ chia sau. Em không ngờ mình mới 16 tuổi đã cầm tiền tỉ trong tay” - Sỹ hồ hởi.

Hiện có nhiều tin đồn rằng nhóm tìm trầm ở xã Đại Nghĩa đã bán số kỳ nam được hơn 500 tỉ đồng, thậm chí lên đến 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Đại Nghĩa khẳng định số tiền này chỉ khoảng 200 - 250 tỉ đồng.

Ông Cao Văn Nhạc cho biết đây là lần trúng kỳ nam lớn nhất từ trước đến nay của người dân trong xã. Theo tìm hiểu của lãnh đạo xã Đại Nghĩa, đầu tiên, nhóm 7 người của ông Đường tìm thấy kỳ nam và bán được 119 tỉ đồng.
 
Tiếp đó, nhóm 60 người ở xã đi “mót” lại ở gốc cây có kỳ nam này và bán được 16 tỉ đồng. Ngoài ra, 2 người khác cũng “mót” được kỳ nam nhưng chưa rõ bán được bao nhiêu tiền. Tìm hiểu thêm từ nhóm 60 người kể trên, chúng tôi được biết 2 người này dù đi “mót” nhưng lại trúng đậm nhất, số tiền bán được xấp xỉ 100 tỉ đồng.

Sống trong thắc thỏm

Ngoài Sỹ, nhà những người còn lại trong nhóm “trúng” kỳ nam đầu tiên đều cửa đóng, then cài. Người dân xung quanh cho biết khoảng 10 ngày nay, khi những người trúng kỳ nam trở về nhà, lập tức có một số người xưng là nhân viên của ngân hàng đến mời giao dịch, gửi tiết kiệm. Đặc biệt, có nhiều nhóm thanh niên lạ mặt, tóc nhuộm vàng, đỏ trông như giang hồ đã đến hăm dọa rồi xin tiền.

Anh Nguyễn Thiết, anh ruột của Nguyễn Trung, một trong 7 người trúng kỳ nam, cho biết ngày nào cũng có cả chục nhóm giang hồ tứ xứ đến xin đểu. “Nhiều tên xăm trổ đầy mình, đến xin tiền mà không cho thì hăm dọa phá nhà cửa hoặc bắt cóc con cái. Mấy hôm nay, Trung và gia đình đã lánh đi nơi khác” - anh Thiết lo lắng.

Chiều 24/6 Đinh Văn Tự (33 tuổi, ngụ xã Đại Nghĩa) đến nhà ông Nguyễn Đường xin tiền. Không được ông Đường cho, Tự đã gây gổ và bị chính quyền xã đưa về trụ sở xử phạt hành chính.
 
Trước đó, chiều 22/6 có một nhóm hơn 10 thanh niên đến xin tiền anh Trần Liệu. Không xin được, chúng dọa mua xăng đốt nhà và bắn tiếng sẽ “chăm sóc” cậu con trai của anh.
 
Về làng tỉ phú kỳ nam - 2
Nhiều thanh niên ở Đại Lộc đón xe lên Gia Lai tìm trầm. Ảnh: Hoàng Dũng
 
Nhóm này chỉ giải tán khi Công an huyện Đại Lộc xuất hiện, bắn 2 phát súng chỉ thiên. “Biết Liệu trúng kỳ nam, rất nhiều nhóm giang hồ đến nhà đập cửa xin tiền, nhất là vào khoảng 20-22 giờ, khiến gia đình mất ăn mất ngủ. Nhiều tên còn dọa giết người thân của Liệu nếu anh từ chối cho tiền chúng” - một người thân của Liệu bức xúc kể.

Theo ông Cao Văn Nhạc, để bảo đảm an ninh trật tự, ông đã cử công an xã đến nhà những người trúng kỳ nam để bảo vệ. Đến giờ, các nhóm xin đểu chỉ đến vòi tiền, không được thì hăm dọa rồi bỏ đi chứ không dám làm gì khác.

Đổ xô tìm trầm

Về những làng quê ở huyện Đại Lộc những ngày này, đến đâu chúng tôi cũng chỉ gặp toàn trẻ con, phụ nữ và người già; còn thanh niên, trai tráng đã khăn gói vào rừng tìm trầm. Ngay cả ông Võ Huy, Bí thư Chi bộ thôn Nghĩa Tây và ông Nguyễn Dĩnh, trưởng thôn, cũng bỏ công việc đi theo.

Lần trúng kỳ nam vừa qua, thôn Nghĩa Tây có gần 100 người “vô mánh”. Chị Lan, vợ anh Đặng Thanh Tân, một người tìm trầm ở Đại Nghĩa, cho biết vừa qua, chồng chị bệnh gần nửa tháng nên phải ở nhà, nếu không thì cũng có được một khoảng tiền không nhỏ.
 
“Tụi tôi không có vận may. Anh Tân đã đi tìm trầm hơn 10 năm nay nhưng đến giờ vẫn trắng tay. Gia sản trong nhà đã lần lượt bán sạch để làm lộ phí cho chồng tôi vào rừng tìm trầm” – chị Lan tiếc rẻ. Lan cho biết dù đang còn bệnh nhưng thấy người dân ở xã Đại Nghĩa ồ ạt lên rừng tìm trầm, chồng chị cũng gắng gượng đi theo.
 
Cũng như anh Tân, hàng trăm người ở Đại Lộc cũng bán đồ đạc trong nhà hoặc vay mượn tiền sắm sửa lương thực đi tìm vận may. Sáng 30/6 có mặt tại ngã ba đoạn Quốc lộ 14 B lên đường Hồ Chí Minh bên kia cầu Hà Nha - huyện Đại Lộc, chúng tôi gặp nhiều tốp thanh niên mang theo ba lô, bao tải đựng thực phẩm, vật dụng đang đợi đón xe lên thị trấn Khâm Đức – huyện Phước Sơn để cắt rừng qua Gia Lai, Kon Tum tìm trầm.
 
Nguyễn Hưng (ở xã Đại Phong, huyện Đại Lộc) cho biết anh cùng người em đang học sửa xe máy ở Đà Nẵng thì nhận được tin người dân Đại Nghĩa trúng đậm kỳ nam nên xin nghỉ một tháng, vay 4 triệu đồng làm lộ phí vào rừng. Không chỉ ở Đại Lộc, hàng loạt người dân huyện Nam Giang, Phước Sơn cũng rầm rộ bỏ công ăn việc làm vào rừng tìm trầm.
 
Ôm nợ, bỏ mạng vì trầm
 
Không phải ai cũng may mắn tìm được trầm. Ông Trần Hữu Hưng, ngụ xã Đại Nghĩa, đã 20 năm tìm trầm nhưng đến giờ vẫn phải ôm món nợ 24 triệu đồng vay mượn cho những chuyến vào rừng.
 
Ông Cao Văn Nhạc khẳng định: “Xã Đại Nghĩa có hơn 1.000 người đi tìm trầm thì đã có trên 500 người ôm nợ. Đặc biệt, trong những qua năm, Đại Lộc đã có trên 20 người bỏ mạng nơi rừng sâu trong lúc tìm trầm. Chỉ riêng thôn Nghĩa Tây có đến 4 người bỏ mạng do nước cuốn trôi và một người do sét đánh chết”.
 

Của thiên trả địa

Ở Đại Lộc có không ít người trở thành tỉ phú nhờ tìm được trầm hoặc kỳ nam song cuộc sống của họ cũng lắm bấp bênh. Năm 2005, nhóm 4 người Doãn Thanh Tuấn, Doãn Thanh Tài, Lê Phước Giác và Trương Văn Lợi ở xã Đại Phong trúng gần 100 kg kỳ nam và bán được trên 20 tỉ đồng. Sau khi đóng góp ủng hộ địa phương, làm từ thiện, mỗi người chia nhau được trên 5 tỉ đồng. Có tiền tỉ trong tay, họ giã từ cuộc sống thăng trầm của nghề đi rừng, mỗi người đi một nơi lập nghiệp.

Anh Tài vào Đắk Lắk mua nhà, cưới vợ, mở quán cà phê buôn bán. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm buôn bán nên Tài thua lỗ, phải bán nhà trở về quê sinh sống. Doãn Thanh Tuấn, anh ruột của Tài, ra Đà Nẵng mua đất làm nhà rồi mua xe khách kinh doanh, đến giờ ăn nên làm ra.

Cũng như anh Tài, anh Lợi vào TPHCM mua đất, cất quán nhậu và cũng thất bại. Trong quá trình mua đất, do không hiểu biết nhiều nên Lợi bị lừa gạt hết mấy trăm triệu đồng. Hiện quán nhậu của anh cũng đã dẹp bỏ, chuyển sang cho thuê phòng trọ. Bi đát nhất là anh Lê Phước Giác, khi có tiền tỉ trong tay, anh ra Đà Nẵng mua ngôi nhà 2 tầng mở quán cà phê, quán nhậu buôn bán nhưng thất bại, lỗ nặng nên đành về quê sinh sống, rồi trở lại nghiệp “phu trầm”.

Theo Hoàng Dũng

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm