1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Về Đồng Tháp Mười nghe chuyện sạ lúa bằng... máy bay

Một buổi sáng đẹp trời, những người nông dân ở Đồng Tháp Mười (ĐTM) thuộc huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An bỗng sững sờ khi nhìn lên bầu trời thấy 4 chiếc máy bay trực thăng dàn hàng ngang phun xuống đồng ruộng chất “bụi” màu vàng.

Họ nhớ tới cảnh máy bay phun chất độc da cam huỷ diệt các cánh rừng tràm trong những năm chiến tranh, nhưng bây giờ đang là thời bình... Họ không thể ngờ rằng, những chiếc máy bay ấy đang gieo sạ lúa trên cánh đồng mà mới vài năm trước còn là “cánh đồng hoang”.

 

Về Đồng Tháp Mười nghe chuyện sạ lúa bằng... máy bay  - 1

Cánh đồng nơi được gieo sạ lúa bằng máy bay ngày trước.

 

Chân dép lốp lên máy bay sạ lúa

 

Về ĐTM viết về mùa lũ năm nay, chúng tôi đã ghé thăm người thực hiện việc gieo sạ lúa bằng máy bay có một không hai ở Việt Nam nói trên. Từng là Bí thư Tỉnh uỷ Kiến Tường, rồi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An phụ trách ĐTM, vậy mà khi về hưu, ông Trần Ngọc Nhóm (Ba Nhóm, ảnh nhỏ) sống trong ngôi nhà cấp 4 được cất từ thời bao cấp ở một góc khuất giữa ĐTM, bên dòng kênh Dương Văn Dương, muốn đến nhà ông phải qua chiếc cầu treo. Đã hơn 25 năm trôi qua mà ông Ba Nhóm vẫn nhớ như in, say sưa, hào hứng kể về chuyện ông mang dép lốp lên máy bay chỉ đạo gieo sạ lúa.

 

Ông kể: Vào đầu thập niên 1980, tỉnh Long An “tiến công khai hoang ĐTM” bằng cách tổ chức các đoàn “bộ đội kinh tế”. Hàng chục ngàn thanh niên, thay vì đi “nghĩa vụ quân sự” với súng thép trong tay, đã trở thành “bộ đội kinh tế” với cuốc xẻng đi khai hoang ĐTM. Khi đất được khai hoang, hạt lúa có thể nảy mầm, họ giao lại cho các nông trường quốc doanh hoặc người dân từ khắp mọi nơi đến đây xây dựng “kinh tế mới”. Bằng cách ấy, hàng ngàn, rồi hàng ngàn hécta đất hoang vùng ĐTM đã được thuần hoá dưới bàn tay con người. Nông trường Lúa Vàng (huyện Mộc Hoá) được thành lập để khai thác mấy ngàn hécta đất mới được bộ đội kinh tế khai hoang.

 

Bắt tay vào sản xuất, nông trường gặp vấn đề nan giải là nhân viên nông trường thì ít, mà diện tích đất lại quá lớn, nên gieo sạ không xuể. Ông Ba Nhóm rất xót ruột khi thấy đất đã khẩn hoang mà không đưa vào sản xuất, bèn nghĩ ra cách giúp nông trường. Ông đến gặp các “chiến hữu” ở Quân khu 7 nhờ giúp gieo sạ lúa bằng máy bay như ông đã từng thấy ở bên Liên Xô. Thời ấy lúa gạo quý như vàng, sản xuất lương thực là trên hết, nên đề nghị của ông đã được ủng hộ ngay.

 

Về Đồng Tháp Mười nghe chuyện sạ lúa bằng... máy bay  - 2
Ông Trần Ngọc Nhóm (Ba Nhóm).

 

Ông Ba Nhóm cho thực nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất để định ra quy trình chuẩn cho việc gieo sạ như: Độ cao, vận tốc máy bay, lượng lúa giống xả ra... Bốn chiếc máy bay trực thăng (cùng 2 chiếc chở lúa giống từ thị trấn Mộc Hoá ra nông trường) trong 3 ngày đã gieo sạ xong mấy ngàn hécta của nông trường. Nông trường trả công cho đơn vị bay bằng chỉ tiêu xăng dầu Nhà nước cấp cho nông trường cùng mấy con heo nuôi tại chỗ.

 

Lúa nhờ gieo sạ đồng loạt mà ít sâu rầy, phát triển rất tốt. Rồi mấy ngàn hécta lúa đồng loạt trổ, đồng loạt chín, cả cánh đồng chuyển sang màu vàng tươi. Thế nhưng, tới lúc này ông Ba Nhóm và cả nông trường mới té ngửa: Họ không có máy gặt đập liên hợp như bên Liên Xô để có thể thu hoạch đồng loạt hàng ngàn hécta lúa.

 

Nông trường viên cùng với mấy trăm nông dân thuê bên ngoài thu hoạch mỗi ngày chỉ được năm -bảy chục hécta lúa. Vì vậy mà nhiều diện tích lúa phải bỏ chín rục trên ruộng, trong khi tỉnh Long An đang thiếu lương thực trầm trọng. Câu chuyện càng trở nên “bi hài” khi mấy trăm nông dân được nông trường thuê gặt lúa, được trả công bằng lúa, trên đường mang về đã bị bắt tịch thu ở các trạm kiểm soát trên lộ 49 (nay là QL62).

 

Đó là thời tự cung tự cấp, hàng hoá, nông sản không được mang ra khỏi địa phương. Bị thất bại quá đau, ông Ba Nhóm đã thử nghiên cứu khả năng nhập máy gặt đập liên hợp về cho Nông trường Lúa Vàng để tiếp tục làm ăn lớn, nhưng không khả thi vì đồng ruộng ĐTM sình lầy, còn máy gặt của Liên Xô vốn chỉ thích hợp với đồng ruộng khô ráo. Vậy là sau một lần duy nhất gieo sạ lúa bằng máy bay, ông Ba Nhóm và Nông trường Lúa Vàng phải quay trở lại gieo sạ thủ công cho tới ngày nay. Ông trở thành người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cho tới ngày nay chỉ đạo gieo sạ lúa từ trên trời.

 

Người của ĐTM

 

Như bao người trai ĐTM, ông Ba Nhóm đã cùng toàn dân đi qua 2 cuộc chiến gian khổ, cho tới ngày toàn thắng. ĐTM vốn đã khắc nghiệt, các chiến sĩ giải phóng càng phải chịu đựng gian khổ gấp bội khi mùa khô thì thiếu nước ngọt, mùa lũ phải sống trên ngọn tràm, trên đầu là máy bay trực thăng, dưới nước là “thuyền bay”, cùng muỗi mòng, rắn rết. Ông Ba Nhóm trở thành Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Kiến Tường trước ngày miền Nam giải phóng. Sau đó tỉnh Kiến Tường sáp nhập vào tỉnh Long An, ông Ba Nhóm dự kiến được giao nhiệm vụ phó bí thư tỉnh uỷ. Thế nhưng, ông đã bày tỏ nguyện vọng muốn được ở lại ĐTM. Cùng lúc, tỉnh Long An đề ra chương trình “tiến công khai hoang ĐTM”, vậy là ông được bố trí làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặc trách khai phá ĐTM cho tới ngày về hưu.

 

Đến thăm nhà ông, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục tấm ảnh được treo trang trọng ở phòng khách, trên ấy hầu như không thiếu vị lãnh đạo đất nước nào kể từ năm 1975 trở về sau, như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Võ Văn Kiệt... Chúng tôi càng thú vị khi thấy tấm ảnh ông chụp trong chiến tranh với nữ tướng Nguyễn Thị Định – Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.

 

Thì ra trong chiến tranh chống Mỹ, vùng Kiến Tường từng là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng, từng đón cô Ba Định. Chỉ những tấm ảnh, ông Ba Nhóm giải thích: “Các đồng chí lãnh đạo khi về thăm Long An, bao giờ cũng đi thăm ĐTM. Tôi luôn là người được phân công đi cùng, vì vậy mà có ảnh chụp chung các đồng chí lãnh đạo”.

 

Đã thích hợp cho sản xuất lớn

 

Ngày trước, khi bắt tay thực hiện chương trình lớn khai hoang, lấp kín ĐTM, các ông hầu như không có phương tiện kỹ thuật gì đáng kể. Đích thân ông Ba Nhóm đã ra Hà Nội xin vốn về mua sắm máy móc, xây dựng công trình. Các bộ không có vốn để cấp cho Long An, nhưng cũng cho các ông “chỉ tiêu 2 triệu lít bia” để bán lấy chênh lệch tạo vốn về phục vụ khai hoang ĐTM. Với số vốn ban đầu đó, các ông đã tiến công vào ĐTM, bắt vùng đất hoang huyền thoại này trở thành vựa lúa của tỉnh Long An và cả nước như ngày nay.

 

Bây giờ, khi ngồi xe hơi chạy với tốc độ 80km/h từ TP.Tân An về ĐTM trên QL62, chúng tôi khó hình dung ngày ấy các ông chỉ với sức người và dụng cụ thô sơ đã đắp nên con đường dài hơn 100km này xuyên qua vùng đất trũng, sình lầy. Ông Ba Nhóm nhớ lại: “Chúng tôi xác định, tiến công khai phá ĐTM, điều đầu tiên là phải có đường. Lúc đó, khi nêu lên ý tưởng đắp tuyến đường 49 chạy xuyên qua vùng đồng lầy, chiều cao đường trung bình phải hơn 3m, hoàn toàn bằng sức người và phương tiện thô sơ, có nhiều ý kiến cho là chuyện viển vông, nhưng chúng tôi cứ làm”.

 

Một cuộc huy động lớn nhân công toàn tỉnh suốt nhiều năm trời để đắp nên lộ 49 từ Tân An đến Mộc Hoá, rồi kéo dài đến Vĩnh Hưng, Tân Hưng. Ngày ấy “đi tuyến đường” để đắp lộ 49 là mệnh lệnh, vừa là niềm tự hào của thanh niên Long An, hàng triệu lượt người hết tháng này tới tháng khác đã đắp nên con đường khai phá ĐTM.

 

Bây giờ ĐTM không còn là “cánh đồng hoang”, nhưng câu chuyện thú vị về nó thì vẫn chưa dứt. Nói về mùa lũ lớn năm 2011, ông Ba Nhóm như càng hào hứng hơn: “Sống chung với lũ, chân lý đó đã quá rõ ràng. Không có lũ thì không phải là ĐTM. Nhưng ĐTM ngày nay không chấp nhận thiệt hại do lũ, mà đang tận dụng lũ để khá lên, để làm giàu”. Ông cũng cho biết, ở ĐTM ngày nay đang có xu hướng tích tụ ruộng đất, nhiều hộ đã có trong tay hàng trăm hécta lúa, máy gặt đập liên hợp chạy khắp đồng ruộng. Điều kiện đang cho phép người dân ĐTM tổ chức sản xuất lớn (theo hộ gia đình hoặc theo hợp tác xã). Nhưng, ông Ba Nhóm hoàn toàn không sợ tới lúc nào đó sẽ mất chuyện ông “độc quyền” gieo sạ lúa bằng máy bay!

 

Theo Nguyễn Phấn Đấu

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm