1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Về bản người Dao ăn Tết năm cùng kéo dài hơn 1 tháng

(Dân trí) - Người Dao ở xứ Thanh năm nào cũng ăn Tết từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài cho đến Tết Nguyên đán cổ truyền. Người Dao gọi đó là Tết năm cùng và là cái Tết quan trọng nhất để báo đáp tổ tiên cũng như gắn tình đoàn kết anh em, dòng họ.

Tết năm cùng của người Dao là khi đã thu hoạch xong, mọi công việc trong năm đã xong, người Dao bắt tay vào tổ chức Tết để con cháu, anh em đi làm ăn xa trở về báo hiếu với gia đình, tổ tiên.

Ở xứ Thanh, người Dao không chỉ có mặt ở Cẩm Thủy mà còn ở các huyện như Ngọc Lặc, Mường Lát… Dù là ở đâu thì phong tục tập quán Tết năm cùng vẫn luôn được người Dao gìn giữ và lưu truyền.

Về bản người Dao ăn Tết năm cùng kéo dài hơn 1 tháng - 1

Mâm cơm thờ cúng tổ tiên trong Tết năm cùng của người Dao không thể thiếu hai thứ quan trọng nhất là đầu lợn và bánh dì.

Theo các cụ cao niên trong làng người Dao ở Bình Sơn, Cẩm Bình (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), họ không biết Tết năm cùng của người Dao có từ khi nào, chỉ biết rằng theo phong tục từ xa xưa truyền lại, trong một năm có ba cái Tết đó là Tết Thanh minh, Rằm tháng Bảy và Tết năm cùng.

Trong đó, Tết năm cùng là tết cuối cùng trong một năm, là cái Tết to nhất và cũng là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Để có một cái Tết no ấm, đầy đủ, ngay từ tháng 10 âm lịch, mỗi gia đình người Dao đã phải chuẩn bị gạo nếp, nuôi gà, nuôi heo.

Về bản người Dao ăn Tết năm cùng kéo dài hơn 1 tháng - 2
Về bản người Dao ăn Tết năm cùng kéo dài hơn 1 tháng - 3

Bánh dì được làm rất kỳ công, từ việc giã cơm nếp cho đến nhào thành bột rồi nặn bánh.

Nét đặc sắc nhất trong mâm cỗ ngày Tết năm cùng của người Dao là món bánh dì (hay còn gọi là bánh dầy). Đây là món ăn có truyền thống rất lâu đời của người Dao ở vùng cao Thanh Hóa, có ý nghĩa tượng trưng cho một năm mới ấm no, đủ đầy.

Để bánh ngon và dẻo, nhà chủ phải chọn gạo nếp thật ngon, ngâm từ đêm hôm trước đến hôm sau mới mang ra đồ thì bánh sẽ dẻo lâu. Gạo nếp sau khi đồ xong được các thanh niên đưa vào cối giã đến khi có độ quánh vừa phải thì đem ra lăn với bột vừng, sau đó nặn thành bánh. 

Về bản người Dao ăn Tết năm cùng kéo dài hơn 1 tháng - 4

Trước khi mọi người quây quần ăn cỗ thì phải làm lễ cúng tổ tiên.

Theo tục lệ của người Dao, mẻ bánh đầu tiên tất cả mọi người không ai được nếm hay thử, vì đây là mẻ bánh dành để cúng ông bà tổ tiên, từ mẻ bánh thứ hai trở đi mọi người mới được ăn, các cụ cao tuổi là người được thử trước.

Bên cạnh món bánh dì, mâm cỗ cúng tổ tiên và cỗ Tết năm cùng của người Dao không thể thiếu thịt lợn luộc và thịt gà. Các loại thịt, lòng, gan được thái nhỏ, trộn đều và dồn vào miếng lá chuối lớn gọi là cỗ lá. Tùy thuộc vào kinh tế mỗi gia đình mà các món ăn được làm nhiều hay ít, gia đình nào làm ăn khấm khá thì cúng bằng gà trống và thủ lợn.

Đối với người Dao, nghi lễ cúng tổ tiên ông bà rất quan trọng nên thông thường mỗi gia đình phải mời ít nhất 3 thầy cúng, nhiều là 5 thầy tới giúp. Các thầy cúng phải là những người có chức sắc trong làng, có mặt sớm nhất để thay mặt gia chủ trình bẩm với tổ tiên những công việc đã làm được và những công việc còn chưa làm được trong năm; đồng thời cầu mong một năm mới đủ đầy, sung túc.

Về bản người Dao ăn Tết năm cùng kéo dài hơn 1 tháng - 5

Món ăn phải được để trong lá chuối tươi.

Khác với người Kinh, thay cho tiền vàng mã người Dao sử dụng các tờ giấy màu bạc, màu vàng để cắt thành từng thỏi và đóng dấu lên đó. Trong lễ cúng, người Dao không dùng hương để đốt mà dùng lá quế hoặc vỏ quế khô bỏ vào một cái chén nhỏ. Mỗi lần đốt lại phải dùng một viên than hồng để đốt cùng, cho đến khi cái chén đầy than và vỏ hương mới thôi.

Lễ cúng hoàn tất cũng là lúc anh em, họ hàng con cháu được quây quần bên mâm cỗ Tết. Theo phong tục của người Dao, thức ăn không bày trên mâm mà được bày trên lá chuối tươi để nhắc nhở con cháu khắc ghi về cuộc sống lưu tán, du canh du cư của tổ tiên người Dao từ hàng trăm năm trước…

Về bản người Dao ăn Tết năm cùng kéo dài hơn 1 tháng - 6

Tết năm cùng để anh em, hàng xóm gặp gỡ chúc tụng nhau.

Ông Bàn Hồng Nguyên (thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình) chia sẻ: “Đối với người Dao chúng tôi, Tết năm cùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không những là Tết báo đáp tổ tiên sau một năm mà còn là Tết gắn kết tình đoàn kết anh em, họ hàng, làng xóm láng giềng. Người Dao dù ở nơi đâu, cứ đến Tết năm cùng là phải trở về quê hương để gặp gỡ, chúc tụng nhau một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió hơn”.

Bình Minh