Về Bạc Liêu ngủ nhà Công tử!
(Dân trí) - Khách về thăm Bạc Liêu, dù có ít thời gian cũng cố tìm mọi cách đến ăn một bữa hoặc uống ly cà phê trong khuôn viên nhà Công tử. Ngành du lịch bản địa vì thế mà có thêm sản phẩm dịch vụ thu hút khách.
Giai thoại…
Căn cứ theo giấy tờ và tài liệu còn lưu giữ thì ông Trần Trinh Trạch (cha của công tử Bạc Liêu) xuất thân từ một người làm mướn. Do may mắn, ông Trạch có cơ hội học đến lớp 7-8 (theo trình độ hiện nay).
Sau này, nhờ có học thức lại khéo quan hệ nên Trinh Trạch được thực dân Pháp cất nhắc ở nhiều chức vụ quan trọng trong đó đáng nói là thư ký tại Tòa bố phụ trách điền địa.
Từ đó, Trạch bắt đầu con đường vơ vét của cải, cướp đất của dân khẩn hoang. Cuộc sống của người dân ngày càng khổ cực thì số của cải và đất đai Trinh Trạch có được ngày càng nhiều, rải rác ở khắp các tỉnh miền Tây.
Sau đó, Trạch lấy vợ (vợ là con gái của một địa chủ khét tiếng ở Bạc Liêu) rồi sinh được 7 người con: 3 trai, 4 gái. Trong số những người con có Ba Huy (tức Trần Huy Trinh, sinh ngày 22/6/1900) nổi tiếng khắp nơi.
Ba Huy nổi tiếng không phải vì thông minh mà vì thói quen chơi bời phóng túng, tiêu tiền như rác với những trò chơi ngông. Đỉnh điểm của những hành động này là sự kiện cậu Ba Huy và một công tử ở Sài Gòn thách đố nhau đốt tiền nấu chè.
Tuy phần thắng thuộc về anh chàng công tử Sài Gòn nhưng nó cũng đủ khiến câu chuyện về công tử Bạc Liêu trở thành những giai thoại cho đến tận bây giờ.
Năm 1945, cuộc sống vương giả của dòng họ Trần Trinh kết thúc khi cách mạng tháng 8 diễn ra. Đảng Cộng sản với chủ trương chống ngoại xâm và ách thực dân phong kiến nên phần lớn điền đất của gia đình Ba Huy đã bị tịch thu, cấp lại cho tá điền.
Ông Trạch tuổi già mất đi, những người con trong gia đình ly tán khắp nơi, chỉ còn lại mình Ba Huy trụ lại đất Bạc Liêu.
Cuối đời, Ba Huy trở về Sài Gòn sinh sống, toàn bộ số gia sản cuối cùng của gia đình được bán nốt để duy trì cuộc sống. Năm 1973, Ba Huy bị bệnh và chết (thọ 73 tuổi).
… Và hiện thực
Ngày nay, người ta biết đến Bạc Liêu bởi nhiều thứ, đó là vùng nuôi tôm xuất khẩu nổi tiếng trên cả nước, tháp cổ Vĩnh Hứng, chùa Xiêm Cán…
Tuy nhiên, đối với đa số khách du lịch đến với tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ này thì những câu chuyện thật và giai thoại về nhân vật Công tử Bạc Liêu luôn thu hút.
Hiểu rõ điều này, Sở Thương mại & Du lịch Bạc Liêu đã tận dụng tối đa sức hút của ngôi biệt thự nức tiếng một thời của gia đình công tử nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và sử dụng dịch vụ.
Nằm trong một khuôn viên rộng rãi bên bờ sông Bạc Liêu, ngôi biệt thự được xây theo mô-típ của Pháp, cực kỳ đẹp và sang trọng. Giờ nó đã được chuyển thành khách sạn mini với tên gọi Công tử Bạc Liêu.
Điều này có nghĩa là bất cứ ai muốn và có tiền đều có thể ăn ở, sinh hoạt giống như vị công tử thuở nào. Nhân viên khách sạn cho biết hơn chục phòng ở đây luôn có người đến thuê, riêng phòng của Công tử thì giá dù có cao gấp đôi (600 - 700 nghìn) vẫn liên tục “cháy”.
Khách về thăm tỉnh, ít có thời gian cũng tìm mọi cách đến ăn một bữa hoặc uống ly cà phê ở khuôn viên nhà công tử. Ai cũng muốn tự mình chứng kiến, thưởng thức cái cảm giác vương giả của nhân vật lừng danh này.
Chính vì vậy, các loại hình dịch vụ khách sạn Công tử Bạc Liêu cũng làm ăn khá phát đạt. Rất nhiều đôi uyên ương cũng tìm đến thuê hội trường của khách sạn để tổ chức đám cưới với mong muốn có một cuộc sống mới vinh hoa, phú quý...
... Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Khá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thì ngày nay Bạc Liêu vẫn chưa phát triển xứng đáng so với tầm vóc của mình. Vẫn còn tới 15.658/26.000 hộ nghèo (có mức thu nhập dưới 200 nghìn đồng/tháng).
Có xã như Vĩnh Trạch, có tới 400/2000 hộ nghèo, bà con trong xã sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, đi biển và nuôi tôm, nhưng do thói quen ít đầu tư, tích lũy, nên nhiều gia đình thường xuyên rơi vào cảnh ăn hôm nay không biết tới ngày mai.
“Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng đang xuất hiện lớp bà chủ, công tử mới - họ là những người biết làm giàu từ chính con tôm, đồng ruộng. Hơn ai hết họ hiểu rằng chỉ có đồng tiền kiếm được từ lao động chân chính mới lâu bền và đáng trận trọng” - ông Khá nói.
P. Thanh