1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vật vã vì con

(Dân trí) - Chỉ trong hơn 10 năm, ngôi làng nghèo Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bỗng bùng phát căn bệnh lạ. Những di chứng quái ác với các triệu chứng đầu to, chân tay còng queo, trí tuệ thiểu năng như “án tử” treo trên đầu những người làm cha làm mẹ.

Cả làng trẻ con đổ bệnh

 

Chúng tôi ghé qua Trường Tiểu học Hộ Độ, nơi nhiều đứa trẻ tật nguyền ở ngôi làng này theo học. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Hòa, Hiệu phó nhà trường buồn bã: “Đã từng công tác giảng dạy ở nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến những câu chuyện đau lòng như ở ngôi trường này. Hơn 20 cháu theo học, tất cả đều không biết gì. 4, 5 năm ngồi ở lớp, các cháu hầu như chỉ nói trước, quên sau”.

 

Cô Hòa tập hợp một nhóm học sinh thiểu năng trong trường. Những câu chuyện mà cô kể về các em thật đau lòng. Có em, 5 năm đến trường liên tục mà chỉ đọc trọ trẹ. Nhiều em đi học là phụ, thời gian chơi, đùa nghịch ngoài trường là chính. Không ít hôm, có cháu bỏ học ra ngoài nhúng đầu vào nước, rồi đi lang thang khắp làng trên xóm dưới khiến nhà trường phải báo gia đình tá hỏa đi tìm.

 

Theo thống kê của UBND xã Hộ Độ, toàn xã này hiện có 38 cháu độ tuổi từ 1-14 mắc các chứng bệnh dị tật, tay chân cong queo, đầu to, khó thở. Hầu hết các cháu khi sinh ra đều bình thường. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các cháu xuất hiện các chứng bệnh đầu to, khó thở, phần lớn trong số đó đều bị chứng thiểu năng trí tuệ, nhiều cháu đã bị chết. 

 

Vật vã vì con - 1
 9 trong số hơn 20 em bị căn bệnh thiểu năng trí não tại trường Tiểu học Hộ Độ. Tất cả những em này đều có chung một điểm: 4, 5 năm theo học nhưng chỉ trọ trẹ biết đọc!

 

Bệnh tật dày vò thân xác con trẻ

 

Rời ngôi trường với nhiều học sinh bị chứng bệnh thiểu năng trí não, chúng tôi men theo con kênh nhỏ, tìm về xóm Nam Phong. Một không khí vắng vẻ, hiu hắt bao trùm lên cả xóm nhỏ bé này. Nơi đến đầu tiên là ngôi nhà của anh Trương Duy Tân. Vợ chồng anh Tân nghèo khó, đi làm thuê xa nên ngôi nhà chỉ còn lại bà Lê Thị Như và đứa cháu Trương Duy Nhật đang thập tử nhất sinh vì căn bệnh quái ác. Bà Như vén chiếc màn nhỏ lên, đứa cháu tội nghiệp không thể trở mình, cựa quậy.

 

Sinh năm 2000, nay đã tròn 8 tuổi, nhưng Nhật chỉ nặng hơn chục ký. Toàn bộ cơ thể bị biến dạng, tay chân cong và nhỏ như đôi đũa, đôi mắt trợn ngược chỉ toàn màu trắng. Nhật không thể cử động, không thể nói, toàn thân nằm liệt, tiểu tiện tại chỗ suốt 8 năm qua. “Cháu Nhật sinh ra được độ nửa tháng thì bệnh bắt đầu xuất hiện. Phần đầu mềm như quả bóng, ngực tức. Càng nhiều tuổi đầu cháu càng to dần và biến dạng. Cháu nó ăn, nằm một chỗ. Nóng, rét xuất hiện thường xuyên” - bà Như kể. 

 

Nhật 8 tuổi, ấy cũng là quãng thời gian vất vả của gia đình anh Trương Duy Tân. Vợ chồng anh Tân đặc biệt khó khăn, không có công ăn việc làm, phải bỏ làng đi làm phu tứ xứ. Vậy là mọi công việc chăm sóc đứa con bệnh tật lại phải nhờ cả vào mẹ già.

 

Ngay trong xóm nhỏ Nam Phong, còn có rất nhiều gia đình phải chịu cảnh đau lòng như nhà bà Như. Suốt nhiều năm qua, gia đình chị Phan Thị Lương vật vã vì 2 trong số 3 đứa con mắc bệnh nặng. Cháu Trương Duy Vũ (sinh năm 1993) lúc sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh. Nhưng càng lớn đầu Vũ càng to dần, chân tay gầy teo lại cho đến khi cậu không thể bước đi được nữa. “Cháu không thể ngủ, nhiều đêm quằn quại trên giường vì những cơn nóng - rét. Có hôm tỉnh dậy thấy cháu nằm lặng như tờ, cả nhà tưởng cháu đã ra đi” - chị Lương mếu máo kể chuyện con.

 

Nỗi bất hạnh lại tiếp tục ập xuống gia đình chị Lương khi sinh ra bé út, cháu Trương Thị Thanh. 3 tuổi, dù chưa mang tật hẳn nhưng cháu Thanh đã có những chứng bệnh y hệt như người anh, mồ hôi chảy và thường xuyên nóng sốt. Nỗi lo với vợ chồng chị Lương càng lớn bởi hiện cháu Thanh đã nổi một khối u trên đỉnh đầu và đang lớn dần lên. Nhiều năm qua, hai vợ chồng chị Lương đã làm đủ mọi cách, chắt bóp, vay mượn chạy chữa nhiều nơi nhưng con vẫn vật vã vì bệnh tật. 

 

Vật vã vì con - 2
 Hai đứa con chị Lương - một dị tật, một đầu đang nổi khối u.

 

Cạnh xóm Nam Phong, gia đình chị Lê Thị Thanh (xóm Tân Quý) lại có 2 đứa con bị thiểu năng trí tuệ. Người con đầu là cháu Trương Văn Thức đã 12 tuổi nhưng lúc nào cũng lòng thòng một chiếc khăn trên cổ để hứng dãi chảy ra. Bằng tuổi Thức, các bạn đã học đến lớp 6, lớp 7, nhưng Thức vẫn chỉ là một cậu bé không biết chữ, không biết nhớ. Còn em trai là Trương Văn Tài (sinh năm 1998) đã học tới lớp 3, vẫn không biết đọc. Mới rồi, nhà trường cho Tài học lại lớp 1 với hy vọng, cháu biết đọc, biết viết để bớt được cái khổ về sau.

 

Cách nhà chị Thanh không xa, nhà chị Nguyễn Thị Lương cũng cũng rất cám cảnh và đầy đau đớn. Sinh được 3 đứa con thì chồng mất. Đã thế, hai con lớn là Trương Đình Thanh (sinh năm 1995) và Trương Đình Thiện (sinh năm 1997) đều mắc bệnh thiểu năng, suốt ngày cứ đứng lớ ngớ ngoài đường.

 

Những con số quặn lòng

 

Suốt một ngày ở Hộ Độ, chúng tôi luôn rơi vào cảm giác nặng nề, đau xót, không lối thoát của hàng chục hộ dân có con mắc các chứng bệnh tai quái ở xã nghèo này. Những con số thống kê về tình trạng bệnh tật của các cháu như những “án tử” treo trên đầu các bậc sinh thành: Năm 2002, toàn xã chỉ có 23 cháu mắc bệnh nhưng đến cuối tháng 9/2008, con số này đã tăng lên 38. Càng buồn hơn khi trong số 38 cháu tàn tật thì chỉ có một cháu được hưởng chế độ trợ cấp do nhiễm chất độc da cam, những cháu còn lại chưa nhận được bất cứ một khoản trợ cấp nào.

 

Trong nỗi bất hạnh, nhiều gia đình khốn khổ ở đây đã cầm cố, vay nợ đưa con đi cứu chữa, nhưng càng đi, họ càng trở nên vô vọng. Những khoản nợ ngày một chồng chất thêm mà bệnh tật con cái họ vẫn không thuyên giảm.

 

Nhiều người dân Hộ Độ cho biết, nhiều khả năng căn bệnh quái ác đang khuấy đảo cả ngôi làng nghèo này là do chính người dân trong làng đi làm ăn xa mang về. Do không có ruộng, nghề muối lụi tàn do thua lỗ, hàng năm có khoảng trên 80% số đàn ông trong xã đi làm thuê. Chính những công việc nguy hiểm ở những nơi trước đây bom đạn chiến tranh của địch rải xuống khiến con em trong làng mắc bệnh.

 

Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là nhận định, chưa có cơ sở khoa học nên người dân Hộ Độ vẫn chưa thể tìm ra biện pháp để ngăn chặn căn bệnh hiểm nghèo này.

 

Người dân Hộ Độ đang chờ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, để phần nào giúp họ tìm thấy nguyên nhân, hạn chế căn bệnh quái ác này.

 

Văn Dũng - Đất Vũ