1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Vật lộn với nước lên sau lũ

(Dân trí) - Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu từ 0,5 đến 1 mét khiến cho cuộc sống của người dân hoàn toàn đảo lộn. Thiếu ăn đã đành, nước uống chẳng còn một giọt nhiều gia đình phải múc nước sông để ăn uống sinh hoạt. Hàng trăm học sinh phải nghỉ học… Đó là tình cảnh đang xảy ra tại một số xã nằm ven sông Lam và sông Cửa Tiền.

Sáng 14/10, phóng viên Dân trí đã cuộc đi bộ gần 30 cây số vượt qua 5 xã gồm Hưng Thịnh, Hưng Phúc, Hưng Lợi, Hưng Châu, Hưng Nhân của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Hiện mực nước hầu hết ở các xã này đang dâng lên rất nhanh, hàng ngàn hộ dân chìm trong biển nước. Cuộc sống bà con rất gian nan khốn đốn. 

Theo người dân cho biết, kể từ năm 1982 đến nay chưa có năm nào nước lại dâng cao, mưa kéo dài như thế này cả. Hàng trăm hộ gia đình phải di dời nơi ở của mình lên ven đê, bờ sông, đường hoặc dưới chân cầu để làm nơi trú ẩn. 

 

Vật lộn với nước lên sau lũ - 1
 
Hai cháu nhỏ ở trong túp lều tạm này đã hơn một tuần nay, theo gia đình các cho biết, cuộc sống của các cháu luôn có sự nguy hiểm rình rập cả ngày lẫn đêm, rắn rít nhiều.
 
Cháu Hồ Ngọc Tân- học sinh lớp 4 trường tiểu học Hưng Thịnh đã nghỉ học 4 ngày nay vì trường đang bị ngập không thể đến lớp được. Trao đổi với Dân trí sáng nay thầy Lê Quý Điền - Phó hiệu trưởng trường cấp 1 Hưng Thịnh cho biết: Sau cơn bão số 5 và ảnh hưởng nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến cho các xã nằm ven sông Lam và Chử Tiền nằm trong cảnh ăn trên nước, ngồi trên nước và lội trên nước. Nhà trường từ hôm thứ 4 đến giờ đã cho các em nghỉ học và dự định đầu tuần tiếp tục cho các em đến trường, nhưng tình hình mưa lớn đang diễn biến phức tạp như thế này chắc phải mất tuần nữa mới có thể khôi phục được lịch học. 

Vật lộn với nước lên sau lũ - 2

Trường mầm non, cấp I, II xã Hưng Thịnh nước dâng cao từ 40-60cm. Phương tiện đi lại hiệu quả nhất ở các xã này là thuyền, bởi nước đã ngập trắng cánh đồng.

Khoảng 100 hộ dân ở Xóm Tân Lập, xã Hưng Châu (huyện Hưng Nguyên) bị nước sông Lam cô lập trong mấy ngày qua. Nhiều người cho biết, hiện mực nước sông Lam đang lên rất mạnh và nếu trời không ráo mưa trong vài ngày tới thì xóm này nhiều khả năng sẽ phải di dời. 

Vật lộn với nước lên sau lũ - 3

Gia đình anh Trương Văn Hưng, xóm Xuân Tân đã gần một tuần nay đã phải di dời trâu, bò gà, lợn… lên mép đường tránh Vinh, lấy chân cầu Hưng Thịnh để ở tạm. Anh cho biết, đứa con gái lớn học cấp 3 phải đi ngủ nhờ nhà bạn để tiện học hành, bây giờ gia đình 4 người ngủ chung một cái giường.

Vật lộn với nước lên sau lũ - 4

Bara Bến Thuỷ không thể mở lớn do nước ngoài sông Lam đang dâng lên rất cao. Nếu mở bara thì nước ở ngoài dâng lên làm cho nước ở trong bị ngưng lại thì hàng ngàn hộ dân nơi đây sẽ khốn đốn. 

Nghiêm trọng nhất vẫn là bà con địa bàn xã Hưng Lợi do nằm ở hạ nguồn sông Cửa Tiền. Sau cơn bão số 5 thì hôm 6/10 nước ở xã này đã dâng lên rất nhanh. Hầu hết ở các xóm, nước tràn vào nhà từ 30-50cm, có nhà lên trên 1m. Riêng bà con và hàng trăm học sinh cấp 2, 3 phải thường xuyên đi thuyền qua khỏi xã mới có thể đi học hoặc đi làm. Theo em Trịnh Thị Thuỳ Dung - lớp 10 cho biết: Khó khăn nhất hiện nay đối với các em là việc đi lại bằng thuyền rất phức tạp, nước càng ngày càng dâng cao, đêm về phải kê bàn ghế cao 2m để còn có chỗ để học.  

Vật lộn với nước lên sau lũ - 5

Gần 89 hộ dân xóm Yên Cư, xã Hưng Thịnh đã di dời trâu, bò lên bờ đê trú ẩn. Theo người dân tại đây cho biết: Đoạn bờ đê sông Cửa Tiền đi qua địa bàn xóm này năm ngoái bị lở gần vỡ bờ và năm nay đang có hiện tượng rạn nứt. Chính quyền đã huy động dân quân kè đắp nhưng vẫn đang rất nguy hiểm.

Vật lộn với nước lên sau lũ - 6
 
Hàng trăm chỗ bày bán gà, hàng tạp hoá… ở phía đình sau chợ Vinh nước đang dâng lên từ từ khiến người dân không thể trao đổi buôn bán.

Hiện tại, TP Vinh trời mây mù kéo xám xịt, mưa thi thoảng lại dội một cơn rất dữ nên nhiều con đường trong thành phố cũng bị ngập. Được biết, các huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong… cũng đang xuất hiện nhiều cơn mưa rất lớn làm cho nước từ thượng nguồn đổ về sông Lam rất nhanh và đang đe doạ hàng ngàn hộ dân dọc ven sông.  

Nguyễn Duy - Nguyên Nghĩa