Vào WTO, doanh nghiệp phải “cai sữa”
Một trong những nghĩa vụ lớn mà Việt Nam sẽ phải thực hiện theo các cam kết để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong thời gian tới là xoá bỏ các trợ cấp bị cấm. Các hình thức hỗ trợ cũng như các ưu đãi đầu tư với các doanh nghiệp sẽ buộc phải chấm dứt.
Các trợ cấp này tồn tại dưới hình thức ưu đãi đầu tư gắn với tỷ lệ xuất khẩu và sử dụng hàng hoá, nguyên liệu trong nước, đồng thời tiến tới xoá bỏ tất cả các hình thức trợ cấp trực tiếp và gián tiếp được coi là có khả năng bóp méo thương mại, đồng thời tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng.
Điều đó cũng có nghĩa là khi chính thức bước chân vào tổ chức này, Việt Nam sẽ buộc phải chấm dứt tất cả các hình thức hỗ trợ cũng như các ưu đãi đầu tư có liên quan đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Thương mại), thành viên đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam về gia nhập WTO cho biết, đến nay, các cam kết chính của Việt Nam trong đàm phán đa phương về xoá bỏ trợ cấp liên quan đến ưu đãi đầu tư gắn với xuất khẩu, bao gồm việc phải bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản và trợ cấp có liên quan đến nội địa hoá kể từ khi gia nhập WTO.
Đối với trợ cấp xuất khẩu sản phẩm phi nông nghiệp, nếu là cấp phát trực tiếp từ ngân sách, sẽ bãi bỏ ngay kể từ khi gia nhập WTO. Nếu là dưới hình thức ưu đãi đầu tư như miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu thì chỉ có thể tiếp tục duy trì được trong một thời gian ngắn (dự kiến không quá 5-7 năm).
Cam kết này sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư chủ yếu phục vụ xuất khẩu nhằm hưởng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, bởi ưu đãi đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu vốn được coi là biện pháp khuyến khích đầu tư quan trọng của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, do WTO coi đây là "hình thức trợ cấp bị cấm nên Việt Nam cũng như tất cả thành viên khác bắt buộc phải cam kết khi gia nhập WTO".
Không chỉ xoá bỏ các hình thức trợ cấp, ông Khánh cũng cho biết, các cam kết của Việt Nam trong đàm phán đa phương còn liên quan đến việc phải tuân thủ toàn bộ các hiệp định và quy định chung của WTO về các lĩnh vực thương mại, sở hữu trí tuệ, các "biện pháp đầu tư" có liên quan đến thương mại, cũng như phải tuân thủ mọi nguyên tắc của tổ chức này trong buôn bán quốc tế.
Đó là chưa kể trong đàm phán song phương, nhiều đối tác còn đưa ra yêu cầu hết sức khắt khe về mở cửa thị trường, về xoá bỏ các biện pháp tự vệ, đối kháng và đặc biệt là yêu cầu Việt Nam phải xoá bỏ tất cả các ưu đãi ngay tại thời điểm gia nhập WTO.
"Hiện vẫn chưa thể khẳng định hoàn toàn rằng, Việt Nam sẽ bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ này ngay tại thời điểm chính thức gia nhập WTO, vì chúng ta vẫn đang trong quá trình đàm phán. Phương án mà chúng ta đặt ra là cố gắng đàm phán để được các đối tác chấp nhập cho Việt Nam được lùi thời điểm xoá bỏ các trợ cấp từ 5 đến 10 năm và thực hiện xoá bỏ dần dần trong khoảng thời gian này, chứ không phải cùng một lúc bỏ ngay tất cả", một thành viên khác trong đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam về gia nhập WTO cho biết.
Tuy nhiên, ông này cũng phải thừa nhận rằng, khả năng lùi được thời điểm là rất khó, vì trong cả giai đoạn 8 năm đàm phán (tính từ khi bắt đầu tiến hành đàm phán gia nhập WTO), mặc dù đã đưa ra rất nhiều lý lẽ để thuyết phục, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
"Tất nhiên, chúng ta vẫn cố gắng ở mức tối đa trong các phiên đàm phán còn lại theo hướng "còn nước còn tát", nhưng rõ ràng là đến thời điểm này, khi thời gian còn lại không nhiều và bắt buộc phải có những thoả hiệp mang tính quyết định thì chúng ta sẽ phải tính đến phương án khác để có thể hoàn thành mục tiêu tổng thể là gia nhập, chứ không thể mãi "cố đấm ăn xôi", chuyên gia đàm phán này nói.
Chính vì vậy, ông cũng đành "bắt buộc" phải đưa ra lời khuyến cáo với các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng, đã đến lúc họ phải nghiêm túc chuẩn bị tinh thần đối mặt với thực tế là sẽ phải rời "bầu sữa" trợ cấp của Chính phủ ngay khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO.
Theo Đầu Tư