1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vào WTO, còn 3 việc lớn phải làm

Cuộc đàm phán WTO Việt - Mỹ bước đầu đã thu được kết quả khả quan, nhưng theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan, VN vẫn còn 3 việc lớn phải làm: hoàn thiện văn bản, chuẩn bị ký chính thức, vận động Quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn.

Hậu WTO, “khó nhất có lẽ là ngành dịch vụ”

 

Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về kết quả đàm phán của VN với Hoa Kỳ, liệu VN có phải nhượng bộ quá nhiều?

 

Đàm phán về WTO nó khác với đàm phán song phương. Đàm phán về WTO là chỉ có một bên đòi và một bên đáp ứng chứ không phải là có đi có lại như BTA. BTA là đàm phán song phương. Tôi đã tham gia đàm phán, ký kết vấn đề đó rồi nên tôi biết, với đàm phán song phương phải có nghệ thuật cò kè. Mà trong cò kè, thì nhiều khi mình cũng phải chấp nhận một số yêu cầu của họ, đồng thời mình cũng phải cố gắng tranh thủ được cái này, cái kia. Thành ra ở đây cũng có những cái mình giữ được, nhưng cũng có những cái mình phải nhân nhượng.

 

Bản thân tôi cũng thấy thoả thuận với Hoa Kỳ vừa qua khá là cân bằng. Có sự có đi có lại. Cũng có những điểm họ có lợi, song cũng có những điểm mình có lợi. Đây là giải pháp mà hai bên gọi là điểm cùng thắng trong đàm phán.

 

Sẽ có nhiều thách thức khi VN gia nhập WTO. Vậy ngành nào chịu nhiều ảnh hưởng nhiều nhất nhất, thưa Phó Thủ tướng?

 

Mỗi ngành đều có cái khó riêng nên từng mặt hàng phải có sự phân tích kỹ lưỡng. Tôi nghĩ khó nhất có lẽ là ngành dịch vụ. Vì hiện nay ngành dịch vụ của chúng ta còn quá mới mẻ, thậm chí nhiều lĩnh vực ta còn bỏ trống, chưa có kiến thức hiểu biết.

 

Với hàng hoá thì cũng tuỳ từng mặt hàng. Hàng nông sản ta mạnh về cà phê, cá, hạt tiêu, gạo..., chẳng sợ gì họ. Nhưng về đậu tương, ngô thì họ mạnh hơn ta nhiều, nên cạnh tranh sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra ta đang có lợi thế về lao động rẻ....

 

Trong ký kết với Mỹ, có quy định phải 12 năm sau VN mới được công nhận là nền kinh tế thị trường... Thời gian đó, chúng ta vẫn phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá?

 

Nhiều thành viên của WTO cũng chưa được hưởng cơ chế này. WTO quy định các tiêu chuẩn cũng khá phức tạp. Ngay như Trung Quốc vốn là một nước lớn như thế nhưng cũng phải chịu tới 15 năm. Không riêng gì WTO, ngay EU ủng hộ ta rất nhiều nhưng họ cũng đã giành cho ta quy chế thị trường đâu! Cho nên đây cũng lại là một quá trình gian khổ mà chúng ta phải tiếp tục đấu tranh.

 

Một mặt mình phải tiếp tục đổi mới trong nước, mặt khác cũng phải xúc tiến đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Trước mắt, chúng ta vẫn còn phải chịu đựng những trường hợp bị kiện bán phá giá đấy.

 

Tiếp tục vận động QH Mỹ trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR)

 

Thưa Phó Thủ tướng, đến giờ phút này có thể nói Việt Nam đã vào được WTO được bao nhiêu phần trăm?

 

Đến ngày hôm nay thì có thể thấy ánh sáng cuối đường hầm đã tương đối rõ nhưng vẫn còn 3 việc lớn phải làm. Thứ nhất, vừa rồi ta mới thoả thuận về nguyên tắc với Mỹ, sắp tới phải làm rất dữ để tiếp tục hoàn thiện về văn bản. Thứ hai là chuẩn bị để ký chính thức. Thứ ba là phải tiếp tục vận động để Quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua PNTR.

 

Xung quanh vấn đề PNTR thì vai trò của QH Việt Nam sắp tới như thế nào?

 

Lâu nay Quốc hội mình đóng góp rất lớn trong quá trình cải thiện quan hệ với Mỹ nói chung và đàm phán WTO nói riêng. Biểu hiện gần đây nhất là việc Quốc hội ta đón Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Dennis Hastert sang thăm. Một trong những nội dung chủ yếu mà Chủ tịch Nguyễn Văn An làm việc với ông Dennis Hastert là vận động Hoa Kỳ ủng hộ ta trong vấn đề PNTR.

 

Sắp tới đây, tôi cũng đang suy nghĩ kiến nghị với Quốc hội hỗ trợ Chính phủ để tiếp tục vận động Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một nghị quyết sạch giành cho Việt Nam quy chế PNTR. Tôi nghĩ nếu không có vai trò của Quốc hội thì sẽ khó lắm!

 

Vừa qua, các đoàn của Quốc hội đã có một số chuyến đi, đó chính là sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho vòng đàm phán vừa qua. Thế nhưng tới đây Quốc hội vẫn phải tiếp tục làm việc, vì mỗi giai đoạn nó lại có một tính chất khác nhau.

 

Vừa rồi, đoàn do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu dẫn đầu chính là để hỗ trợ cho vòng đàm phán thứ 12 với Hoa Kỳ. Nhưng sắp tới chúng ta phải dốc sức cho vấn đề PNTR với một tính chất khác. Rồi sau PNTR nó lại còn những chuyện khác nữa thành ra quan hệ giữa hai Quốc hội phải liên tục, thường xuyên. Do đó vai trò của các dân biểu hai bên sẽ có vai trò rất lớn, họ có tiếng nói thuận để hỗ trợ cho quan hệ hai bên ngày càng được cải thiện.

 

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa Quốc hội Hoa Kỳ sẽ nghỉ hè, sau đó bận rộn với bầu cử, chúng ta có thể giành được PNTR vào khi nào?

 

Tôi không thích lắm việc đoán mò. Chúng ta sẽ phấn đấu đến mức tối đa. Theo những tuyên bố đầu tiên của phía Hoa kỳ tôi thấy có rất nhiều căn cứ để lạc quan.

 

Theo Văn Tiến

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm