Vào sòng bạc bằng tiền... Nhà nước!
Để có tiền vào casino trong những chuyến công du nước ngoài, nguyên giám đốc OSC Việt Nam Nguyễn Văn Toản đã “chỉ đạo” nhân viên dưới quyền làm giấy tạm ứng, lập hợp đồng kinh tế khống nhiều lần với số tiền lên tới hàng chục ngàn USD, để rút tiền nhà nước...
Ăn chơi “khét tiếng”…
Công ty Du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam) là “cánh chim đầu đàn” của Tổng Cục Du lịch, có trụ sở chính đóng tại TP.Vũng Tàu, hiện đang sở hữu tỷ lệ khoảng 35% tổng số phòng của gần 100 khách sạn trên địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với 29 năm hình thành và phát triển, OSC Việt Nam đã trải qua nhiều đời giám đốc, trong đó Nguyễn Văn Toản nổi tiếng là “tay chơi” có cỡ.
Theo kết luật của Cơ quan Cảnh sát điều tra, mỗi lần công du, ngoài những khoản tiền đã được công ty thanh toán theo chế độ, Toản còn yêu cầu “miệng” cho Trương Công Thắng (Trưởng phòng thị trường OSC Việt Nam) chuẩn bị thêm tiền đưa Toản mang theo tiêu sài cá nhân.
Để có được số tiền đáp ứng theo yêu cầu của “sếp” vừa nhanh vừa đủ số lượng, Thắng đã lấy tiền của công ty bằng hình thức tạm ứng với nội dung “phục vụ công tác của lãnh đạo…” rồi đưa cho Toản ký duyệt, sau đó đổi ra USD đưa cho Toản.
Theo lịch công tác của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 11/9, vụ án “Tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại OSC Việt Nam” sẽ được đưa ra xét xử.
Trước đó khoảng một tháng, vụ án này đã được TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sắp lịch xét xử, nhưng sau đó hoãn lại. |
Qua điều tra đã xác định từ khi làm giám đốc OSC Việt Nam (4/2004 - 6/2005), Toản đã dùng hơn 1 tỷ đồng của công ty cho các khoản: 10 lần đi công du nước ngoài, trong đó có 6 lần vào casino dùng thẻ rút tiền tiêu sài riêng; mua thẻ chơi golf gần 189 triệu đồng; mua tổ yến, ăn uống…
Lập hợp đồng khống, rút tiền thật
Để có tiền bù vào các chi phí tạm ứng tiêu sài cá nhân, Nguyễn Văn Toản đã chỉ đạo Trương Công Thắng quan hệ, giao dịch ký một số hợp đồng kinh tế khống và hợp đồng kinh tế nâng giá trị giữa OSC Việt Nam với các đối tác để rút tiền nhà nước.
Cụ thể, Thắng đã làm 13 hợp đồng kinh tế khống và nâng giá trị với các đơn vị dịch vụ quảng cáo, rút của nhà nước tổng cộng 877.630.000 đồng.
| |
Dự án khách sạn Tháng Mười B do OSC làm chủ đầu tư bỏ hoang hơn chục năm nay vì thiếu vốn. |
Quá trình điều tra, Nguyễn Văn Toản đã thừa nhận trong 13 hợp đồng khống và nâng giá trị, Toản chỉ biết và chỉ đạo Thắng thực hiện 3 hợp đồng khống với các đơn vị: DNTN Ngọc Vũ (TPHCM), công ty Phi Thịnh (TPHCM), Khoa Khách sạn - Du lịch (Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội). Toản đã nhận từ Thắng nhiều lần với tiền 360.000.000 đồng là nguồn tiền từ các hợp đồng khống.
Tuy Toản có giải trình trước cơ quan điều tra việc sử dụng số tiền sau khi có được từ hợp đồng khống, nhưng không có cơ sở và không thuyết phục, vì đó chỉ là việc cá nhân và phục vụ cho lợi ích cá nhân Toản.
Đối với Trương Công Thắng, hành vi của Thắng đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập các hợp đồng kinh tế khống, thực hiện các hợp đồng này để rút tiền của công ty đưa cho Toản…
Vì các lẽ trên, ngày 18/7/2006, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tống đạt cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Toản về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 1 điều 165 Bộ luật hình sự”; bị can Trương Công Thắng về tội “Tham ô tài sản theo điểm c.d khoản 2 điều 278 bộ luật hình sự”.
Tuy nhiên, xét thấy bị can Thắng là người đứng ra tố cáo bị can Toản và tự thú hành vi vi phạm pháp luật của mình với cơ quan điều tra, nên Việt kiểm sát sẽ xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.
Theo Thăng Long
VietNamnet