Quảng Trị:
“Vàng tặc” lộng hành ở vùng biên, lực lượng chức năng than khó
(Dân trí) - Thừa nhận tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại vùng biên huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng lực lượng chức năng than rằng việc ngăn chặn, truy quét “vàng tặc” gặp khó do địa hình rừng núi hiểm trở, khâu phối hợp chưa “ăn ý”.
Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại một số điểm nóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có phần tạm lắng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân bản địa tham gia vào việc đào vàng trái phép làm ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường… Trong đó, địa bàn huyện Đakrông được xem là nơi “vàng tặc” hoạt động khá rầm rộ nhưng chưa được ngăn chặn một cách triệt để.
“Vàng tặc” vẫn đục khoét núi rừng
Chuyến kiểm tra thực tế của lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị gần đây ghi nhận tình trạng rừng núi bị “vàng tặc” đục khoét. Các đối tượng dựng lán trại, đào hầm để thuận tiện cho việc khai thác vàng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện tượng khai thác vàng ở xã A Vao, huyện Đakrông đã xảy ra từ nhiều năm nay. Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông thừa nhận: “Mặc dù UBND huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo và có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn, tuy nhiên vẫn còn người dân địa phương tiến hành khai thác trái phép các mỏ vàng”.
Nguyên nhân của tình trạng trên được lãnh đạo UBND huyện Đakrông đánh giá là do địa hình đồi núi hiểm trở, khi các cơ quan chức năng tiến hành truy quét thì các đối tượng “vàng tặc” đã cất giấu máy móc, thiết bị và bỏ trốn khỏi khu vực khai thác. Khi đoàn rời đi các đối tượng lại quay trở lại khai thác. Trong khi đó, các hoạt động kiểm tra còn chưa được thường xuyên do gặp khó khăn.
Phó Chủ tịch huyện này cho biết, từ đầu năm đến nay UBND huyện Đakrông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức 2 đợt ra quân truy quét các hoạt động khai thác vàng trái phép. Tại chuyến kiểm tra, huyện đã đề nghị các địa phương, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng phối hợp, vào cuộc nhằm giảm bớt tình trạng trên. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan cùng vào cuộc.
Ông Nguyễn Trường Khoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Quảng Trị, cho biết, đối với mỏ vàng A Vao thuộc xã A Vao, huyện Đakrông đã được Bộ TN-MT cấp phép thăm dò cho Công ty Cổ phần khoáng sản 4 với diện tích 25,5 km2 giai đoạn 2008–2010 và được gia hạn thêm 2 năm với diện tích 16,5 km2. Công ty cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, khai thác, chế biến quặng vàng gốc. Hiện công ty đang tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác vàng gốc tại Bộ TN-MT với diện tích 11,49 ha.
Khâu phối hợp chưa chặt chẽ
Thiếu tá Bùi Đình Lợi, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Lin cho hay, từ nhiều năm trước, ở A Vao có các điểm nóng khai thác vàng chui. Mặc dù tình hình hiện đã tạm lắng nhưng vẫn xảy ra vấn nạn “vàng tặc” vì nhiều hạn chế trong công tác phối hợp.
Thiếu tá Lợi cũng thông tin, từ tháng 2/2015–8/2016, đơn vị đã tổ chức tuần tra, truy quét khai thác khoáng sản trái phép được 59 đợt với 311 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia, xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp, đẩy đuổi 116 người dân khỏi các khu vực khai thác.
Trong khi đó, đại diện Phòng CSĐT tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị) cho rằng, hiện nạn đào đãi vàng sa khoáng trên địa bàn đã chấm dứt nhưng vàng hầm lò vẫn còn. Công tác phối hợp để đấu tranh, ngăn chặn “vàng tặc” hoạt động chưa thực sự nhịp nhàng, thống nhất.
Phát biểu tại cuộc họp sau chuyến kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, việc kiểm tra tình trạng khai thác vàng trái phép tại A Vao nói chung cũng như các điểm khác trên địa bàn tỉnh của các địa phương, cũng như các cơ quan ban ngành liên quan thời gian qua chưa thường xuyên, chưa liên tục, vẫn còn một bộ phận người dân khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng chung đến tình hình an ninh trật tự, môi sinh, môi trường.
Từ đó, ông Đồng yêu cầu các ngành, địa phương kiên quyết xử lý đúng pháp luật các trường hợp vi phạm. Các địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn về tình hình an ninh trật tự khoáng sản trên địa bàn. Ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, địa phương, cơ quan nào để xảy ra nổi cộm tình trạng “vàng tặc” thì sẽ xử lý trách nhiệm các tập thể và người đứng đầu.
Để ngăn chặn triệt để nạn khai thác vàng, địa phương cần phải thành lập lực lượng liên ngành về công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị cùng cấp trên địa bàn, khai thác, huy động sự hỗ trợ các nguồn lực tại chỗ.
Đối với Xã A Vao cần cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch bảo vệ khoáng sản, bảo vệ rừng, triển khai về tận thôn, bản, trong đó lực lượng Đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Các tổ chức, đoàn thể cần động viên cùng vào cuộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lưu ý Sở TN-MT cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Lực lượng Biên phòng cần chủ động phối hợp các ngành liên quan quản lý tốt trên các địa bàn có khoảng sản của tỉnh. Công ty khoáng sản 4 phải chấp hành đúng luật định, nội quy quy chế của địa phương về khai thác khoáng sản, máy móc thiết bị phải đảm bảo, không được sử dụng các chất cấm để khai thác, chấp hành tốt quốc phòng an ninh, kinh tế xã hội trên địa bàn.
Đăng Đức – Tiến Nhất