“Vàng ròng trong dân số” tiếp sức cho tăng trưởng GDP
(Dân trí) - GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp hơn 10 lần trong vòng hơn 20 năm qua, từ 140 USD/người năm 1992 lên 1.540 USD/người năm 2012, trong đó có sự góp sức quan trọng của việc tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp.
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc làm việc của Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ với quyền Trưởng Văn phòng Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Ritsu Nacken, ngày 31/3. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của Quỹ với Ban Kinh tế và bà Ritsu gọi đó là “khoảnh khắc lịch sử của Quỹ, vì tầm quan trọng của Ban Kinh tế TƯ trong tham mưu về kinh tế vĩ mô ở Việt Nam”.
Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ với quyền Trưởng Văn phòng Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Quan sát về tình hình dân số ở Việt Nam, bà Ritsu thấy Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số rất nhanh, hơn cả bên Châu Âu, cùng với đó là tình trạng tỷ lệ sinh thấp. Việt Nam đang bước đầu bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng và đây chính là thời kỳ phát triển chưa từng có cho đất nước. “Đây cũng là thời điểm rất quan trọng để Việt Nam chuyển hướng các chính sách của mình về dân số nhằm đạt được những kết quả tích cực hơn nữa”, bà Ritsu nói.
Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ cho biết trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã sớm quan tâm đến vấn đề dân số và coi trọng việc hoạch định chính sách dân số. Từ năm 1961, khi dân số Việt Nam đang ở khoảng 31 triệu người, Việt Nam đã ban hành các chính sách liên quan đến dân số như chính thức tiến hành chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Từ năm 2011 đến nay Việt Nam đã chuyển hướng chính sách từ “kiểm soát quy mô dân số” sang “nâng cao chất lượng dân số”. Nội dung chính sách về quy mô dân số chuyển từ “chủ động kiểm soát” sang “chủ động điều chỉnh”; Tốc độ tăng dân số từ “cản trở” đã trở thành “động lực” cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách dân số bao gồm cả “cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh”.
“Tôi rất thích câu nói của bà về cơ cấu dân số vàng cũng là vàng ròng trong dân số”, ông Huệ chia sẻ, “tận dụng cơ hội này là rất quan trọng nhất là nó chỉ kéo dài trong vòng mấy chục năm nữa, với mục tiêu làm sao người dân giàu trước khi già. Phải chăng nên có đa chính sách trong tiếp cận vấn đề dân số? Cùng với đó là bài toán giải quyết cân bằng giới tính, một vấn đề mà ở Trung Quốc và nhiều nước cũng đang vướng mắc”.
Bà Ritsu nêu quan điểm của mình về việc có nên có các chính sách khác nhau ở các vùng miền khác nhau rằng theo kinh nghiệm quốc tế thì nhiều chính sách là không nên. Với mất cân bằng giới tính khi sinh, theo bà Ritsu, là một thử thách rất lớn, các giải pháp ngăn cấm không mang lại kết quả như mong muốn. “Việt Nam nếu có được hệ thống an sinh tốt, người già không còn tâm lý mong đợi có con trai để nương tựa lúc tuổi già thì việc mất cân bằng giới tính sẽ dần mất đi”, bà Ritsu nói.
Báo cáo đưa ra tại cuộc làm việc nhận định dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học chưa từng có trong lịch sử. Đó là giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp; từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn; từ mức chết cao sang mức chết thấp, nhất là mức chết trẻ em; từ cơ cấu “dân số trẻ” sang giai đoạn “già hóa dân số” và chuyển sang “dân số già”; từ cơ cấu “dân số phụ thuộc” sang cơ cấu “dân số vàng”.... Cùng với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ với cường độ lớn và số lượng người di cư ngày càng đông. Vì vậy, còn nhiều những thách thức và những vấn đề mới nảy sinh trong công tác dân số có ý nghĩa quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước cần phải quan tâm giải quyết.
Vì dân số liên quan mật thiết đến kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa, vấn đề dân số cần phải được giải quyết ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, chứ không chỉ ở lĩnh vực y tế. Kinh nghiệm thành công ở các nước cho thấy chỉ khi có một ủy ban dân số dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì vấn đề dân số mới được được lồng ghép đầy đủ và có ý nghĩa vào các lĩnh vực khác để tạo ra hiệu quả rõ rệt cho nền kinh tế. Vì vậy, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khuyến nghị Ban Kinh tế Trung ương xem xét và tham mưu cho các cấp lãnh đạo cân nhắc việc thành lập Ủy ban Chính phủ về dân số để thực sự giải quyết các vấn đề dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. UNFPA sẵn sàng hỗ trợ Ban Kinh tế Trung ương theo định hướng này.
UNFPA đã hoạt động ở Việt Nam từ năm 1977 thông qua Chương trình Hợp tác với Chính phủ Việt Nam (ngân sách 160 triệu USD) trong lĩnh vực dân số và phát triển, sức khỏe sinh sản, và bình đẳng giới. Hiện tại UNFPA đang thực hiện Chương trình 5 năm 2012-2016 hỗ trợ Chính phủ Việt Nam với tổng ngân sách là 33,1 triệu USD trong các lĩnh vực dân số và phát triển, an sinh xã hội cho người cao tuổi, sức khỏe sinh sản và giới.
Đoàn Trần