1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2006:

Vẫn lúng túng trước gian lận công nghệ cao

(Dân trí) - Chiều 29/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã có cuộc trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2006. Trong đó, Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp để chống gian lận thi cử, nhưng xem ra các thủ đoạn gian lận vẫn đi trước rất xa các biện pháp ngăn chặn.

Thưa Thứ trưởng, hiện nay trên thị trường xuất hiện một số điện thoại di động có hình dáng và các chức năng rất giống máy tính bình thường. Bộ đã có những giải pháp gì để ngăn chặn?

 

Hiện tại chúng tôi chưa có mẫu của các sản phẩm công nghệ cao này. Tuy nhiên, nếu có trên thị trường, chúng tôi sẽ nhanh chóng tìm hiểu để phân tích và gửi thông báo đến các hội đồng tuyển sinh.

 

Trường hợp điện thoại giống máy tính cũng tương tự như việc thí sinh lợi dụng bút tàng hình trong mùa tuyển sinh năm ngoái. Để đối phó với tình trạng gian lận ngày càng tinh vi, năm nay, Bộ đã đề ra nhiều quy định mới, siết chặt kỷ luật phòng thi như chỉ có trưởng điểm thi mới được sử dụng điện thoại di động, các cán bộ khác tuyệt đối không được dùng.

 

Như vậy, về cơ bản Bộ vẫn chưa có cách đối phó với thủ đoạn gian lận sử dụng công nghệ cao?

 

Đúng vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc đầu tiên chống gian lận trong thi cử phải nằm trong khâu ra đề thi và khâu chấm lại, tiếp theo mới là khâu công nghệ thông tin và giám thị. 

 

Bộ đã có những biện pháp gì để chống thi kèm, thi hộ?

 

Biện pháp hiệu quả nhất để chống thi hộ là lấy số chứng minh thư của thí sinh để kiểm tra, vì số chứng minh thư chỉ có một. Phần mềm tuyển sinh năm nay cũng đã giải quyết được những vấn đề có tính chất tình thế như tách riêng những thí sinh trùng họ, tên, ngày tháng năm sinh, quê quán. Tất cả những thí sinh này đều có số báo danh rất xa nhau để tránh trường hợp thi hộ thi kèm.

 

Bộ đã hạ quyết tâm là phải hạn chế tối đa những tiêu cực thi cử trong kỳ thi này. Tuy nhiên, để chống gian lận thi cử có hiệu quả thì không thể sử dụng một biện pháp đơn lẻ mà phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như tăng cường kỷ luật phòng thi, nâng cao chất lượng đề thi, phối hợp đồng bộ giữa hội đồng tuyển sinh, giám thị, lực lượng công an, bảo vệ...

 

Khác với thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ sẽ có nhiều thí sinh bỏ thi. Vậy cách phát đề thi trắc nghiệm như thế nào để không xảy ra hiện tượng lặp đề?

 

Đối với môn trắc nghiệm ngoại ngữ, chúng tôi sẽ không phát đề như phổ thông mà phát liên tục. Sau khi thí sinh làm bài thi thì giám thị coi thi sẽ đi thu lại đề những chỗ thí sinh vắng. Như thế sẽ không có sự lặp đề trong phòng thi.

 

Được biết, mỗi năm Bộ đều có bản đánh giá chất lượng thí sinh dựa vào ghép kết quả thi phổ thông và thi ĐH. Năm nay, Bộ có tiếp tục làm không? Cách giải quyết như thế nào?

 

Năm nay Bộ cũng sẽ tiếp tục ghép chung kết quả thi phổ thông với thi ĐH để tìm ra những gian lận. Ngay khi kết thúc kỳ thi, chúng tôi sẽ chuyển dữ liệu cho Thanh tra Bộ và công an PA25 giải quyết. Tuy xã hội rất bức xúc về thi cử nhưng xử lý phải có lộ trình chứ không thể xử lý ngay được.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Lịch thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2006 theo đề chung:

 

Đợt I thi khối A:

 

Ngày 3/7/2006 Từ 8h00: Làm thủ tục dự thi, thu lệ phí dự thi, xử lý những sai sót trong đăng ký dự thi của thí sinh.

 

Thời gian thi             

Khối A

Sáng 4/7

 Toán

Chiều 4/7

 Lý

Sáng 5/7

 Hóa

Chiều 5/7

 Dự trữ

 

Đợt II thi Khối B, C, D:

 

Ngày 8/7/2006 Từ 8h00: Làm thủ tục dự thi, thu lệ phí dự thi, xử lý những sai sót trong đăng ký dự thi của thí sinh.

 

Thời gian thi

Khối B

Khối C

Khối D

Sáng 9/7

 Sinh

 Văn

 Văn

Chiều 9/7

 Toán

 Sử

 Toán

Sáng 10/7

 Hóa

 Địa

 Ngoại ngữ (*)

Chiều 10/7

Dự trữ

 

 

 

(*) - Các trường tổ chức thi đồng thời các khối B, C, D cần bố trí thí sinh thi các môn ngoại ngữ tại một địa điểm riêng biệt.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm