1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vấn đề “nóng” của TPHCM là môi trường

(Dân trí) - Là một TP phát triển với tốc độ vượt bậc, quy mô dân số và quy mô sản xuất tăng chóng mặt, TPHCM đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ chính sự phát triển đó: ô nhiễm môi trường sống.

Trong kỳ họp HĐND TP lần thứ 13, đại biểu 24 quận huyện đã cấp tập kiến nghị, chất vấn Sở Tài nguyên & Môi trường hàng loạt vấn đề môi trường như: ô nhiễm tại kênh Ba Bò (Thủ Đức); khí thải và nước thải tràn lan tại KCN Tân Thới Hiệp (quận 12); mùi hôi và vận chuyển rác thải kém vệ sinh tại bãi rác Đa Phước (Bình Chánh); ô nhiễm tại các KCN ở Củ Chi và Bình Chánh “giết” nhiều tuyến kênh thuỷ lợi…

 

Ngay sau đó, HĐND TP đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình trong quý III năm 2008 là vấn đề môi trường. Trong tháng 7, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đã tiến hành hàng loạt đợt kiểm tra các điểm nóng ô nhiễm như KCN Lê Minh Xuân, kênh Ba Bò, vấn đề xử lý chất thải hầm cầu… để thúc đẩy các ban ngành chức năng nhanh chóng giải quyết các vấn đề này.

 

Ngày 29/7, trong kỳ họp giao ban giữa lãnh đạo 24 quận huyện và lãnh đạo HĐND TP, vấn đề môi trường lại tiếp tục nóng lên. Lãnh đạo các quận huyện ngoại thành như Bình Tân, Củ Chi… than phiền về chính sách di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành của TP là không căn cơ.

 

Vì chính sách này chỉ là dời ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành. Đáng lẽ ra phải buộc các cơ sở này cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý chất thải khi xây dựng các cơ sở mới tại khu vực ngoại thành chứ không chỉ di dời nguyên trạng. Chính sách này đã khiến các vùng ngoại thành lâu nay vốn trong lành trở thành bãi rác của TP.

 

HĐND TP khẳng định: trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra các điểm nóng môi trường theo kiến nghị của người dân để đưa ra trước các cơ quan chức năng, mổ xẻ và bàn bạc phương án giải quyết triệt để trong Hội nghị chuyên đề về môi trường của HĐND TP tổ chức vào ngày 30/9.

 

Tại hội nghị này, các sở ban ngành phải báo cáo tình hình ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực mình quản lý và đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết cho HĐND xem xét. Theo đó, Sở Tài nguyên & Môi trường phải báo cáo tình hình chung về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nước trên sông, kênh, rạch và việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, bùn hầm cầu trên địa bàn TP. 

 

Sở Y tế chịu trách nhiệm về vấn đề xử lý rác thải y tế và xử lý nước thải tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập cùng Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phụ trách vấn đề chống ngập. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp phải đưa ra các giải pháp xử lý nước thải tại các KCX, KCN.

 

Sở Công thương thì giải trình về công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường từ nội thành ra các KCN tập trung; giải pháp khắc phục tình trạng tái ô nhiễm của các cơ sở sản xuất ở địa điểm mới. Còn Công an TP chuẩn bị các kiến nghị để công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường được tiến hành đồng bộ, thống nhất, xử lý nhanh, đảm bảo đúng pháp luật. 

 

Tùng Nguyên