1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Vẫn còn nhiều nữ cựu binh “lay lắt” giữa đời thường

(Dân trí) - Gần 35 năm trôi qua, ít ai còn nhớ đến hơn 800 cô gái Thái Bình gửi huyết tâm thư xung phong vào chiến trường Tây Nguyên khốc liệt. Các chị ra đi khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi với tâm niệm “đất nước đẹp giàu đâu cũng là quê hương”.

Gặp chị Đặng Thị Băng, một trong những nữ chiến sĩ trong trung đoàn E732, sư 331, quân khu 5, kể về một thời cống hiến và số phận của những đồng đội thời hậu chiến mà không khỏi niềm xót xa.
 
“Đất nước đẹp giàu đâu cũng là quê hương”
 
Tháng 3/1975, hơn 800 cô gái Thái Bình tuổi tròn mười tám, đôi mươi đã viết đơn tình nguyện xin được đi bất cứ đâu khắp mọi miền tổ quốc để góp một chút công sức của mình bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều lá đơn viết bằng máu và nước mắt trong khí thế hào hùng của lớp lớp thanh niên: “Đất nước đẹp giàu đâu cũng là quê hương”.
 
Các chị được phân công công tác tại ngã ba Đông Dương, thuộc địa phận Kon Tum, kết hợp với những chiến sĩ bộ đội Hà Bắc cũ và Nghệ An đã tình nguyện vào chiến trường chiến đấu năm 1974, nay xung phong ở lại để cùng chiến đấu và xây dựng kinh tế cơ sở.
 
Vẫn còn nhiều nữ cựu binh “lay lắt” giữa đời thường - 1
Những giọt nước mắt của chị Băng khi kể về những đồng đội năm xưa.
 
Cuộc sống tại vùng đất mới hoang sơ với những chiến sĩ nam đã vô cùng khó khăn, thiếu thốn thì với chiến sĩ nữ nỗi khó khăn và thiếu thốn ấy được nhân lên gấp bội. Công việc chính của các chị là phát rừng, làm rẫy còn ai “có học” từ trước thì được gửi đi học những lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kế toán, hậu cần…
 
Công việc tưởng chừng đơn giản vậy mà ẩn chứa biết bao hiểm họa mà chính các chị cũng thể nào ngờ tới bởi mảnh đất ấy đã thấm đẫm trong mình chất độc màu da cam. Ngoài ra, các chị còn phải trực tiếp cầm súng để chiến đấu chống thổ phỉ.
 
Chị Đặng Thị Băng hồi tưởng lại ngày ấy phỉ nhiều vô kể. Chúng quấy phá, cướp bóc, đặt mìn… và nhiều nữ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Chị Băng nhớ như in một lần cả đội đang phát quang một khoảnh rừng thì một tiếng nổ chát chúa vang lên. Sau màn khói dày đặc, 5 đồng đội của chị đã ra đi vĩnh viễn.
 
Kể cho chúng tôi nghe những kỉ niệm một thời của mình và của những đồng đội, nước mắt đã lăn dài trên má chị Băng. Nỗi đau không chỉ cho những đồng đội đã hy sinh, mà còn cho cả những đồng đội đang lay lắt giữa thời bình in hằn trong những giọt nước mắt đã đục dần theo năm tháng.
 
Đồng đội lay lắt giữa đời thường
 
May mắn hơn những đồng đội, ngoài 50 tuổi, chị Băng có một gia đình hạnh phúc bên người chồng mang quân hàm đại tá, hai con khôn lớn trưởng thành đều phục vụ trong quân đội nhưng nỗi day dứt về những người đồng đội vẫn cứ đau đáu trong chị.
 
Những vui buồn trong cuộc sống, những lúc ốm đau bệnh tật, những khi con cái dựng vợ gả chồng hay khi một chị nào đó ra đi, tất cả những người đồng đội thời bình lại quây quần bên nhau. Khi đó chị Băng trở thành “đầu tầu” trong những hoạt động như thế.
 
Mỗi khi nhớ về đồng đội chị lại khóc. Chị luôn cảm thấy mình là một người may mắn chính vì thế chị luôn tìm mọi cách quan tâm giúp đỡ đồng đội của mình. Chị chính là sợi dây liên kết của những nữ chiến sĩ Thái Bình năm xưa.
 
Vẫn còn nhiều nữ cựu binh “lay lắt” giữa đời thường - 2
Với những nữ bộ đội năm nào, các kỷ vật này luôn được họ khắc sau vào tận đáy lòng!
 
Số phận những đồng đội cứ lần lượt hiện ra qua giọng kể xót xa của chị. Chị Mạn, cùng làng Dương Xá, Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình với chị xuất ngũ về quê lấy chồng sinh con.
 
Những tưởng một cuộc sống hạnh phúc đang chờ đón, vậy mà một căn bệnh lạ bộc phát. Toàn thân chị Mạn bị lột hết da cho tới khi chết. Hai đứa con chị cũng mang cùng căn bệnh với chị. Lúc đó mọi người mới biết chị đã mang chất độc màu cam.
 
Chị Vũ Thị Thọ, bạn cùng làng lại cùng đơn vị với chị, sau những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân trở về ở vậy cùng mẹ già. Khi thứ chất độc quái ác khởi phát, bụng chị Thọ bỗng trương phềnh ra. Người làng “ác tâm” đồn chị  chửa hoang...
 
Trường hợp của chị Trần Thị Hồng, tại thôn Dương Xá, xã Tiến Đức là một xót xa. Hiện chị đang bị thứ chất độc màu da cam hành hạ trong giai đoạn cuối, đau đớn tột cùng. Đứa con của chị cũng mang trong mình di họa chiến tranh. Vậy mà chị vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách nguyên do ngày xưa chị thuộc trung đoàn 732, sư 331 mà nay trung đoàn ấy trong quá trình phát triển đã đổi tên thành công trường 732, binh đoàn 15.
 
Rồi câu chuyện của chị về những người đồng đội đang lay lắt giữa đời thường như chị Nguyễn Thị Vương, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Hận… khiến chúng tôi phải giật mình. Còn đâu thời con gái đầy nhiệt huyết cống hiến, các chị trở về lặng lẽ lẫn vào cuộc đời này, trở thành những con người nhỏ bé và một số bị từ chối những quyền lợi ít ỏi mà lẽ ra các chị còn xứng đáng được hưởng nhiều hơn thế.
 
Câu chuyện của chị Đặng Thị Băng còn âm vang mãi trong lòng người viết bởi mong muốn giản đơn và chính đáng của một người lính với đồng đội: “Mong sao nhà nước có chính sách cho những người cựu binh bớt khổ. Và mong sao những người đồng đội của tôi bớt chút nào nỗi đau bị dày vò bởi di họa chiến tranh…”.
 
Thế Cường