1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vẫn có người cố mang 1-2 bánh pháo về làm "quà Tết" cho người thân!

(Dân trí) - Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an, cho biết vẫn còn tình trạng sử dụng pháo nổ làm quà biếu dịp Tết.

Thưa Thiếu tướng, pháo nổ nhập lậu đang “tiến” vào Việt Nam từ những địa phương nào?

Qua những vụ bắt giữ gần đây chúng tôi thấy pháo nổ nhập lậu từ Trung Quốc đang xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu ở 3 tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai và Quảng Ninh. Ngoài ra cửa khẩu Hà Giang, Cao Bằng cũng có nhưng ít hơn. Phương thức vận chuyển pháo nổ của các đối tượng bây giờ cũng khác trước, không còn dồn dập vào một thời điểm nữa. Từ sau Tết Nguyên đán 2014, các đối tượng buôn bán pháo đã tìm mọi cách vận chuyển vào sâu trong nội địa để ém hàng rồi. Chúng tôi ghi nhận vẫn còn tình trạng người dân cố gắng mang 1-2 bánh pháo nổ về làm quà Tết cho bạn bè.

Việc buôn bán, sử dụng pháo nổ ở các tỉnh Bắc nhiều hơn, phía Nam pháo rất ít. Buôn bán pháo mang lại siêu lợi nhuận nên các đối tượng nghĩ ra đủ mọi thủ đoạn để vận chuyển. Từ sau Tết 2014 tới nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 1.000 vụ. Nếu trót lọt từ Trung Quốc vào nội địa Việt Nam thì một bánh pháo có thể lãi được 10-20 nghìn đồng, lãi gấp 2-3 lần như vậy nên mới có đối tượng liều lĩnh vận chuyển cả nghìn kg pháo nổ.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ
Thiếu tướng Trần Văn Vệ

Hàng năm Bộ Công an và các địa phương đều tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các hộ gia đình không đốt pháo, nhưng tại sao năm nào cũng có vài ba địa phương xảy ra đốt pháo nổ nhiều, gây bức xúc dư luận như vậy?

Chúng ta đã cấm đốt pháo rất lâu rồi nhưng vẫn có đồng chí Đảng viên ở miền biển bảo tôi là Tết mà không có tiếng pháo thì đi biển không hên, không may mắn. Cấm đốt pháo là chủ trương rất đúng, bởi không chỉ hạn chế tốn kém về tiền của mà còn hạn chế tối đa tai nạn. Trước kia mỗi năm có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương vì đốt pháo, từ khi cấm pháo thì tai nạn rất ít, năm vừa rồi chỉ có hơn chục vụ vì sản xuất pháo và đốt pháo.

Nhiều địa phương làm rất quyết liệt việc ngăn chặn đốt pháo trong đêm Giao thừa, như ở tỉnh Thái Bình quy định sẽ hạ tiêu chuẩn nông thôn mới đối với các xã để xảy ra đốt pháo nổ; Đảng viên vi phạm sẽ bị xử lý và anh em công an phải túc trực tới hết Giao thừa mới được về nhà. Ở nơi nào xảy đốt pháo nổ thì công an mất thi đua, còn nếu để xảy ra tình trạng sản xuất pháo có thể bị kỷ luật, điều chuyển công tác đi nơi khác.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê bình một số địa phương để xảy ra đốt pháo nổ nhiều dịp Tết 2014, tại sơ kết 2 năm thực hiện Pháp lệnh về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hồi tháng 6/2104, Bộ trưởng Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cho các địa phương và có điện, công văn chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị định 36 của Chính phủ về pháo nổ. Tổng cục VII là cơ quan thường trực, mỗi tháng đều có báo cáo về số vụ thực hiện, bắt giữ liên quan đến pháo. Đến nay nhiều địa phương thành lập ban chỉ đạo về việc này. Dự kiến trong tháng 1, Tổng cục VII sẽ có cuộc họp với các tỉnh xảy ra hiện tượng buôn bán, đốt pháo nổ nhiều trong những năm qua để đề ra các giải pháp, mục tiêu ngăn chặn tình trạng đốt pháo dịp Tết Nguyên đán tới đây.
 
Tiêu hủy pháo nhập lậu trái phép
Tiêu hủy pháo nhập lậu trái phép

Tổng cục VII có ghi nhận được tình trạng sản xuất pháo trong nước không?

Trong dịp Tết năm 2013 và năm 2014 thì có phát hiện ra. Gần đây nhất là vào ngày 14/12 tại xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã xảy ra vụ nổ thuốc pháo làm anh Nguyễn Văn Trung bị thương mà nguyên nhân ban đầu được xác định do sản xuất pháo trái phép. Hiện vụ việc vẫn đang được công an địa phương điều tra, làm rõ.

Liệu có xem xét lại việc cho phép Nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) sản xuất, phân phối rộng rãi các loại pháo không tiếng nổ không, thưa ông ?

Trước đây chúng tôi ủng hộ cái đó, bởi các loại pháo không tiếng nổ, pháo phụt đó nếu được sử dụng ở những lễ hội, lễ khai trương sẽ khá an toàn với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Nhưng xưởng sản xuất pháo của họ bị nổ và đến nay vẫn chưa khôi phục lại được nên phải để họ khôi phục, sản xuất lại thì sau này mới có thể nghiên cứu xem xét lại được.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!
 

Những vụ pháo lậu đổ bộ dịp cuối năm

- Ngày 28/9 tại đồi Tà Hin, thôn Bản Phải (xã Tú Minh, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn), Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đồn biên phòng Chi Ma bắt quả tang đối tượng Hoàng Hoa Hải (trú tại Quảng Tây, Trung Quốc) vận chuyển trái phép 524,5 kg pháo.

- Ngày 29/10, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) bắt quả tang 2 đối tượng (đều trú tại Yên Dũng, Bắc Giang) vận chuyển 100 thùng carton pháo, với trọng lượng khoảng 3,5 tấn.

- Ngày 27/11 tại xóm Lũng Mường, thị trấn Hòa Thuận (tỉnh Cao Bằng), tổ công tác liên ngành cửa khẩu quốc tế Tà Lùng phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Huy (trú tại Gia Viễn, Ninh Bình) vận chuyển trái phép trên 626 kg pháo.

- Ngày 29/11, tại khu vực 940 thuộc xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, Cao Bằng, lực lượng biên phòng phát hiện 2 đối tượng Lương Văn Cường và Lương Văn Quyền (trú tại xã Hồng Quang, huyện Quảng Uyên) vận chuyển qua biên giới 1.067 kg pháo các loại.

- Ngày 18/12, tại xóm 15 xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, lực lượng công an đã bắt quả tang Nguyễn Hải Triều và Nguyễn Đình Mãi (trú tại xã Nghi Ân, TP Vinh) vận chuyển pháo trái phép, thu giữ 80 quả pháo (23 kg), 2 kg thuốc pháo, 3,6m ngòi nổ. Qua đấu tranh, hai đối tượng khai nhận đã tự tìm hiểu công thức chế tạo pháo để sản xuất và bán trái phép.

A Phùng (thực hiện)