Hà Nội:
Vẫn “ám ảnh” nạn móc túi ở trạm xe buýt Cầu Giấy
(Dân trí) - Bằng rất nhiều thủ đoạn, những kẻ móc túi “tung hoành” tại trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy (Hà Nội) khiến bao hành khách điêu đứng. Đầu năm 2009, PV <i>Dân trí</i> đã có chuyến “thực nghiệm” tại đây, giờ trở lại, nạn móc túi còn có phần “rầm rộ” hơn.
Những chiêu “tập kích con mồi”
Rất nhiều sinh viên đã từng đối mặt, từng là nạn nhân của những “hung thần” bến xe này. Không ít sinh viên còn “khoe” rằng, chỉ cần nhìn lướt qua là đã có thể nhận biết những kẻ chuyên móc túi.
Sau nhiều ngày “mật phục”, chúng tôi đã làm rõ phương thức, thủ đoạn của nhóm tội phạm này. Trong bộ dạng dặt dẹo của kẻ nghiện ma tuý, khoảng 5-6 đối tượng thường liên tục “đảo” khắp trạm trung chuyển. Hầu hết các đối tượng đều đội một chiếc mũ lưỡi trai trên đầu để che đi một phần khuôn mặt và đôi mắt đang láo liên dò tìm con mồi.
Nhóm này thường xé lẻ, hoạt động theo tốp khoảng 2-3 tên, cùng nhau “tập kích con mồi”, mỗi tên đảm nhiệm một “vai” trong “màn kịch”. Những lúc không “đủ quân” hay khi các bến đều đông người, chúng phải chia nhau ra, hoạt động độc lập, chỉ khi xảy ra “sự cố” mới cần sự trợ giúp của đồng bọn.
Ngoài những đối tượng thường xuyên “kiếm ăn” tại trạm trung chuyển này, trong thời gian dài chúng tôi theo dõi, thỉnh thoảng cũng có sự “đảo quân”, xuất hiện của một số đối tượng mới. Tuy nhiên, những đối tượng này chỉ “bám trụ” lại đây 1-2 ngày rồi lại biến mất.
“Giáp lá cà” giữa nạn nhân và “hung thần”
Triệu Văn T., quê Thanh Hoá, sinh viên năm thứ nhất trường CĐ Công nghệ Bắc Hà, thuật lại sự việc diễn ra với mình chừng 2 tháng trước: “Khi đang chạy đến sát cửa xe buýt, em bị một cánh tay chặn ngang trước mặt. Quay sang hướng khác để lên xe, em lại bị một người thò chân ra ngáng làm em ngã chúi về phía trước Ngay lúc đó, một bàn tày thò vào túi khiến em giật mình quay lại phía sau, một người đội mũ lưỡi trai màu rêu đứng ngay phía sau nhìn em rồi quay mặt và bước đi chỗ khác. Chiếc điện thoại di động gia đình mới sắm cho hồi mới lên nhập học đã không cánh mà bay”.
Có trường hợp, khi “con mồi” đang nghe điện thoại, một tên chạy đến cố tình va mạnh vào người khiến điện thoại văng ra, trong khi một đồng bọn khác nhanh tay nhặt điện thoại rồi chạy mất. Thậm chí, có đối tượng còn lên cầu vượt bộ hành, vờ mượn điện thoại để gọi rồi nhanh tay đưa cho kẻ đi phía sau chạy mất trước khi nạn nhân kịp nhận ra sự việc.
Không ít những người tốt bụng khi thấy có móc túi, thông báo cho nạn nhân đã bị chúng dùng dao rượt đuổi, cảnh cáo vì “nhiều lời”.
Lấy lại được điện thoại cũng là lúc 3-4 tên khác, kẻ cầm tuýp sắt, người cầm điếu cày hùng hổ lao đến. Tôi cùng bạn vội lao lên xe buýt vừa lúc cửa xe đóng lại. Những tên kia không chịu buông tha, chúng chặn đầu xe buýt, bắt tài xế mở cửa ra. Không hiểu sao lúc đó bác tài vẫn mở cửa cho chúng lên.
Tôi nhanh chân ra cửa sau thoát được, còn anh bạn tôi thì bị chúng đánh tới tấp, chỉ biết ôm đầu chịu đựng. May mà xe buýt chật, chúng không thoải mái ra tay được nên anh bạn tôi chỉ bị thương nhẹ”.
Có thể nói, hàng loạt các vụ móc túi xảy ra tại trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy đã ở mức đáng báo động, khiến dư luận hết sức bức xúc, bất bình. Trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương ở đâu trước tình trạng móc túi “lộng hành” kéo dài như vậy?
Tiến Nguyên