Vạch mặt ổ nhóm giả què chuyên “kinh doanh tình thương”
(Dân trí) - Sống quy tụ lại với nhau, già có, trẻ có và dưới trướng một “trùm”cai quản, các đối tượng được tổ chức thành một số nhóm bán kẹo cao su ở Hồ Tây hàng ngày vẫn rong ruổi "kinh doanh" lòng thương hại của nhiều người.
Sau khi nhận được thông tin từ người dân cung cấp về một nhóm đối tượng lợi dụng người già, giả tàn tật để bán kẹo cao su với giá cắt cổ, nhóm phóng viên trong vai xe ôm đã lên phương án tiếp cận... Sau nhiều tuần bám sát, phóng viên cuối cùng cũng nắm được lịch hoạt động và “cơ cấu tổ chức” của “tập đoàn” bán kẹo cao su giá cắt cổ ở ven Hồ Tây - Hà Nội.
Nhóm này có cả già và trẻ, tập trung sống trong ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở phố An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Để tránh bị hàng xóm và chính quyền cơ sở phát hiện, nhóm người này tổ chức cất xe lăn ở một địa điểm khác gần khu nhà ở. Chỉ đến sát giờ đi “hành nghề”, các đối tượng này mới đi lấy xe lăn về.
Gần đây, để tránh sự dòm ngó của hàng xóm láng giềng và tiện bề hoạt động, “tập đoàn” này chia nhau ra sinh sống tại hai nơi. Cũng giống như “trụ sở” cũ tại Khu tập thể Đoàn xe 312 phố An Dương, ngôi nhà mới thuê sau Tết âm lịch cũng nằm sâu trong một con hẻm nhưng bẩn thỉu hơn. Có lẽ để tránh sự soi mói của cư dân xung quanh nên nhóm này thuê nhà nằm biệt lập và chỉ có một lối vào duy nhất.
Căn nhà này được che đậy rất kín đáo như chính sự bí ẩn của ổ nhóm chuyên đi "kinh doanh" tình thương. Mất nhiều ngày tiếp theo để quan sát hành tung của những kẻ lừa đảo kia, nhóm phóng viên phát hiện trong mỗi căn nhà trên có tới 2 người già chuyên đi bán kẹo cùng nhóm thanh niên. Mặc dù sống tách biệt ở hai con hẻm khác nhau nhưng nhóm này vẫn thường họp nhau rất đúng giờ ở Hồ Tây, bắt đầu từ khoảng 5h chiều đến 12h đêm.
Một người dân ở phố An Dương cho biết: “Ở đây ai chẳng biết bọn họ. Từ lúc mấy người này chuyển tới đây, khu vực này thi thoảng ồn ào, mất trật tự về đêm khi họ chia chác tiền bạc. Có hôm chia chác không đều còn cãi nhau chí chóe. Còn ban ngày nhóm này rất ít xuất hiện. Hầu như lúc nào cũng cửa đóng then cài nên không ai vào được. Họ không tật nguyền như hình dung của mọi người đâu. Trong số này, người yếu nhất cũng vẫn có thể lết người đi khắp mọi nơi và tự phục vụ trong sinh hoạt. Các bà già vẫn đi lại bình thường, thậm chí còn khỏe hơn khối người cùng tuổi ở khu này. Chiều nào mấy đứa nó cũng kéo nhau đi ăn cơm từ sớm rồi kéo xe lăn ra trước cửa, còn các bà già thì ôm rổ kẹo đi ra ngoài. Cả dân khu này có thấy họ tật nguyền chỗ nào đâu”.
“Toàn thanh niên trai tráng cả nhưng ban ngày chỉ ở trong nhà chơi, chiều tối lại kéo mấy ông bà già đi bán kẹo cao su giá cắt cổ kiếm tiền của những người hảo tâm".
Buổi đêm, sau khi đi kiếm ăn về, nhóm người này vẫn thường oang oang nói chuyện kinh tế khốn khó, thu về chưa được tiền... triệu mỗi ngày.
Nói về những kẻ bán kẹo cao su giả danh những người tàn tật hàng ngày vẫn xuất hiện ven Hồ Tây, nhiều người dân sống trong khu vực bức xúc cho biết, trong nhóm bán kẹo cao su ấy có một gã thanh niên khỏe mạnh đã có vợ và con nhỏ sống trong cùng ngôi nhà với các "đồng nghiệp". Gã này đóng vai “cai đầu dài”, đứng ra bảo kê cho mọi hoạt động của nhóm.
Đặc biệt, theo quan sát của phóng viên, nhóm người già ngồi xe lăn thường xuyên được gã “cai đầu dài” thay đổi theo quy luật “đào thải” để tránh những gương mặt quen thuộc bị nhận ra. Thông thường, gã “cai đầu dài” rất ít xuất hiện và chỉ nằm trong nhà chờ nhóm bán kẹo mang tiền về nhà vào tầm đêm.