Ủy ban Kinh tế: Cần xác định rõ tiêu chí thu hồi đất để tránh lạm dụng
(Dân trí) - Cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đề nghị xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Sáng 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ này.
"Quá trình xây dựng luật là một ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan; năng lực để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trước đây, không để xảy ra những khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật"- ông Huệ nói.
Tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất theo tính chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với các dự án được trên 80% người có đất thu hồi đồng ý.
Theo tờ trình của Chính phủ, đây là một trong những vấn đề lớn còn có những ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, đa số đồng ý với dự thảo vì theo Nghị quyết 18 của Trung ương, Nhà nước chủ yếu thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Do đó, cần phải quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu nhằm hạn chế tiếp cận đất đai không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại. Qua đó nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.
Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý quy định Nhà nước thu hồi đất với "dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại" sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Vì vậy, việc đưa dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại thuộc dự án thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là không phù hợp.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Qua đó, cần làm rõ nội hàm của các trường hợp "thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng". Đặc biệt phải cân nhắc trường hợp "các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý".
Sự kiện chính trị pháp lý lớn của đất nước
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ, dự án luật của Chính phủ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Bà Nga đề nghị rà soát các luật liên quan và xử lý như thế nào trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác, xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng pháp luật,… để đảm bảo tính thống nhất.
Nêu rõ thu hồi đất là một chế định quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng cần phải quy định chặt chẽ nội dung này, thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm đảm bảo tính minh bạch.
Trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chí cụ thể đến Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để đảm bảo tính chính xác và phù hợp tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định Luật Đất đai chỉ đứng sau Hiến pháp về tầm quan trọng. Theo ông, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội đối với hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế và từng người dân. Có thể nói, đây là đạo luật giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai và có mối quan hệ, ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách.
Vì thế cần xác định việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là một sự kiện chính trị pháp lý lớn của đất nước, là một đợt sinh hoạt chính trị để triển khai chủ trương của Đảng.