Ứng viên đại biểu Quốc hội phải được khám sức khỏe... tâm thần?
(Dân trí) - Thảo luận tại tổ ngày 5/11 về Luật Bầu cử, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND ngoài việc có đầy đủ hồ sơ, lý lịch tư pháp, còn phải có giấy khám khỏe, trong đó có cả khám xét chứng bệnh tâm lý, tâm thần.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nên cụ thể hoá tiêu chuẩn đã được ghi trong Hiến pháp. Ứng viên phải có đầy đủ hồ sơ khi tham gia ứng cử và lý lịch tư pháp. Đặc biệt trong giấy khám sức khoẻ cần có cả trắc nghiệm về thần kinh, tâm lý chứ không giống khám sức khoẻ giấy phép lái xe.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhận thấy dự luật đưa ra tiêu chuẩn hồ sơ quá đơn giản. “Ai cũng làm đơn ứng cử được, thậm chí một người mới từ bệnh viện tâm thần xuất viện cũng ứng cử được”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, phải có cách nào đó để yêu cầu đại biểu Quốc hội phải có lý lịch rõ ràng, giấy khám sức khỏe đầy đủ. Ứng viên cũng phải có bảng kê khai tài sản để xem có minh bạch hay không. Ngoài ra, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng phải cao.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đưa ra quan điểm, chất lượng Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đại biểu Quốc hội. Vì vậy quá trình lựa chọn đại biểu phải làm sao lựa được người thực sự có tâm huyết với đất nước, với nhân dân, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Theo phản ánh của đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) thì thực tiễn có nhiều người ra ứng cử không nghiêm túc. Do vậy, nếu pháp luật không có chế tài thì sẽ khó đảm bảo chất lượng đại biểu. Đại biểu đề xuất hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải được cơ quan đơn vị tổ chức nơi làm việc xác nhận hoặc có lý lịch tư pháp.
Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đưa ra quy định không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) cho rằng, luật cần phải quy định rõ các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý, nhất là các trường hợp vi phạm quảng cáo hình ảnh cá nhân.
Theo đại biểu Chu Sơn Hà, thực tế có trường hợp tự ứng cử đã xuất hiện trên truyền hình cả tháng trời để “đánh bóng” tên tuổi. Gần đến ngày bầu cử thì lại liên tục đi ủng hộ người nghèo, làm nhà tình nghĩa và được các phương tiện truyền thông đăng tải như một hình thức quảng cáo. “Làm từ thiện, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn là việc làm ý nghĩa, rất đáng hoang nghênh, nhưng những việc đó phải dừng lại trước 30 ngày kể từ ngày bầu cử”, đại biểu Chu Sơn Hà nói.
Đại biểu Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội - cho biết, ông chưa thấy ở đâu tự ứng cử dễ như ở Việt Nam. Có trường hợp tự làm hồ sơ rồi ghi tên vào danh sách tự ứng cử. Theo ông Nghị, người tự ứng cử tự đánh giá mình có khả năng, nhưng phải có người khác đánh giá xem có phù hợp hay không. Để khắc phục những bất cập trên, theo ông Nghị trong luật phải đưa ra được quy định về tiêu chí cụ thể đối với người tự ứng cử.
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết, các nước không có luật về tổ chức như thế này. Nhưng lịch sử phát triển của chúng ta thì Mặt trận là một thiết chế rất đặc biệt. Đề cập đến vấn đề phản biện, đại biểu cho rằng, Mặt trận không phản biện hết tất cả các vấn đề của đời sống xã hội mà chỉ tập trung phản biện những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Mặt trận Tổ quốc cần phải kết hợp với báo chí để tạo thành sức mạnh. “Mặt trận không thể ra quyết định cưỡng chế, chế tài được. Mặt trận Tổ quốc phải gây ra áp lực với các cơ quan quản lý nhà nước nên tôi nghĩ rằng mối quan hệ với phương tiện thông tin đại chúng là hết sức cần thiết, nhưng trong dự luật lại vắng bóng điều đó”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói. Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng, chức năng giám sát, phản biện xã hội của mặt trận Hiến pháp 2013 đã nói rồi, có thể coi đây là “cây gậy” để có điều kiện pháp lý để Mặt trận Tổ quốc thể hiện rõ hơn vai trò, chức năng của mình. Tuy vậy, trong toàn bộ dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi đại biểu chưa thấy rõ chức năng giám sát phản biện. |
Quang Phong