1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hưng Yên:

UBND xã vay tiền của dân rồi… quỵt?!

(Dân trí) - Khi vay 146 triệu đồng của dân, UBND xã Đặng Lễ (huyện Ân Thi, Hưng Yên) có viết phiếu thu, đóng dấu son và chữ ký của Chủ tịch xã hẳn hoi. Thế mà gần 10 năm nay, hơn chục hộ dân “chủ nợ” cứ phải đôn đáo khắp nơi để đòi tiền mà không được. Dân băn khoăn: “Chẳng lẽ xã lại ăn quỵt tiền của chúng tôi…”.

Trả nợ bằng... “kính chuyển”

 

Trong lá đơn kêu cứu gửi đến báo Dân trí, bà Đinh Thị Mỵ (trú tại số 24, phố Đìa, xã Đặng Lễ, Ân Thi, Hưng Yên) cho biết, năm 1998, 4 vị lãnh đạo chủ chốt của xã Đặng Lễ đến nhà bà đặt vấn đề vay tiền cho UBND vì xã đang gặp khó khăn về tài chính. Vì tình cảm với quê hương, bà đã quyết định ra ngân hàng rút 50 triệu đồng về cho xã vay.

 

Giấy biên nhận vay tiền và phiếu thu ghi ngày 7/9/1998 do ông Nguyễn Văn Đã, Chủ tịch xã, ký với con dấu đỏ chót cũng ghi cụ thể: “UBND xã vay 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) với lãi suất thỏa thuận là 1,2%. Thời gian vay 18 tháng. UBND xã sẽ trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn như thỏa thuận”. Mục đích vay là để “dùng vào công việc của tập thể”(?)

 

Khi cho xã vay, bà Mỵ có ngờ đâu 50 triệu đồng của cả gia đình đã “một đi không trở lại”. Năm 2000, khi đến hạn thanh toán, bà Mỵ đã nhiều lần đến UBND xã, thậm chí đến cả nhà riêng ông Chủ tịch xã để đòi nợ nhưng chỉ toàn nhận được những lời khất lần.

 

Đòi xã không được, bà Mỵ làm đơn “kêu cứu” lên các cơ quan chức năng của huyện Ân Thi. Nhưng đơn thư của bà gửi huyện suốt các năm 2001, 2002, 2003 đều được UBND và Thanh tra huyện “kính chuyển... UBND xã Đặng Lễ xem xét, giải quyết”(?!).

 

UBND xã - con nợ khó đòi

 

Sự việc càng tồi tệ hơn khi ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Đã và “bộ sậu” lần lượt bị khai trừ khỏi Đảng, bị cách chức vì những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến tài chính. Ông Chủ tịch xã kế nhiệm khi nhận được đề nghị thanh toán nợ của bà Mỵ thì đưa ra lý do rất thiếu trách nhiệm: “Chưa nhận bàn giao số nợ này”.

 

Năm 2004, ê-kíp lãnh đạo mới của xã được thành lập, bà Mỵ khấp khởi hy vọng sẽ được thanh toán, nào ngờ ông Chủ tịch xã mới cũng có điệp khúc “xã còn khó khăn, khi có tiền chúng tôi sẽ trả”.

 

Theo điều tra của chúng tôi, ở xã Đặng Lễ, không chỉ bà Mỵ mà hơn chục hộ dân khác ở khắp các thôn cũng cho xã vay với tổng số tiền lên đến 146 triệu đồng. Nếu tính cả gốc lẫn lãi, số tiền mà “con nợ” là UBND xã Đặng Lễ đang mang lên đến gần 250 triệu đồng.

 

Gần chục năm nay, bà Mỵ cùng những chủ nợ khác vẫn đòi tiền trong vô vọng. Càng hoang mang hơn khi họ nhận được lãnh đạo xã “bắn” tin: Không “có đi có lại” thì không đòi được tiền.

 

Ông Vũ Văn Do, Trưởng ban thanh tra nhân dân, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, một đại tá hải quân về hưu, bức xúc: “Trong các cuộc họp Đảng bộ, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng lãnh đạo xã không giải quyết. Đảng viên rất bất bình trong việc xử lý thiếu minh bạch  này”.

 

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Mỵ than vãn: “Chả lẽ UBND xã lại quỵt của chúng tôi sao?”.

 

Khi nào có tiền xã sẽ trả (!?)

 

Chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Đặng Lễ. Cả Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thế Cải và Chủ tịch xã Vũ Văn Oanh đều xác nhận việc vay tiền của dân là có thật và khẳng định: “Khi nào có tiền xã sẽ trả”.

 

Về mục đích vay tiền, ông Oanh cho biết, thời gian đó vì chưa có Luật Ngân sách nên UBND xã luôn phải đối mặt với những khó khăn về tài chính. UBND xã đã vay tiền của dân là để chi cho kiến thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng và cho hoạt động của bộ máy nhân sự.

 

Trả lời về việc vì sao UBND xã không chịu trả nợ cho dân, ông Oanh cho biết, xã cũng là... chủ nợ của một số người mua đất, nhưng vì họ chưa chịu thanh toán nên chưa có tiền để trả (?).

 

Cũng theo lãnh đạo xã, sự việc đã được báo cáo lên lãnh đạo huyện Ân Thi, phương án xử lý vẫn là “thu hồi nợ để trả nợ” và nếu “thu vượt kế hoạch hàng năm thì sẽ xem xét để trả nợ cho dân”. Tuy nhiên, phương án này xem ra ít hiệu quả khi mà các con nợ chỉ nợ UBND xã 80 triệu, trong khi số nợ xã đang gánh lên đến gần 250 triệu đồng. Ngoài ra, chính ông Chủ tịch xã cũng thừa nhận, việc thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn vì có con nợ đã... đi đâu mất rồi.

 

Hơn 2 năm qua, xã mới trả nhỏ giọt được 22 triệu trên tổng số gần 250 triệu đồng. Như vậy, hơn chục hộ dân là chủ nợ của UBND xã yên tâm phần nào khi mà lãnh đạo xã khẳng định không... quỵt. Chỉ có điều, chưa biết khi nào xã mới thanh toán hết nợ. Việc thanh toán cũng chỉ được xem xét phần gốc, còn phần lãi thì “nếu có điều kiện sẽ trả” (lời ông Chủ tịch xã).

 

Vậy là "trăm dâu đổ đầu... dân", tiền cho vay chưa biết đến bao giờ được trả, lãi không thấy đâu, đồng tiền mất giá và quan trọng hơn, người dân đã hoàn toàn mất tin tưởng vào lãnh đạo xã cho dù xã vẫn khẳng định... "không quỵt".

 

Đức Hòa