1. Dòng sự kiện:
  2. Đại hội Đảng bộ các cấp
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

UBND TP Hà Nội phải giải trình vụ gây thiệt hại 3.000 tỉ đồng

(Dân trí) - Ngày 3/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND TP Hà Nội giải trình nội dung thông tin trong bài báo “<a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/9/143849.vip">Nhà nước thiệt hại 3.000 tỷ đồng</a> do quyết định duyệt giá đất của UBND TP Hà Nội” đăng trên báo Thanh Niên ngày 28/9.

Thủ tướng cũng đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thông tin trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10/2006.


Theo nội dung bài báo, ngày 14/12/2004, UBND TP Hà Nội đã có văn bản phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất của Dự án khu đô thị Nam Thăng Long. Điều đáng chú ý là văn bản này ký vào thời điểm chỉ còn 16 ngày trước khi công bố giá đất theo Luật Đất đai (ngày 1/1/2005) đã làm ngân sách Nhà nước đã thiệt hại 3.000 tỉ đồng.


Ngày 30/9, trong cuộc trao đổi với Dân trí về sự việc trên, ông Hoàng Quốc Hùng, Phó Chánh thanh tra Bộ Tư pháp cho rằng, quyết định 4622 về giá thu tiền sử dụng đất của UBND TP Hà Nội có dấu hiệu làm trái quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.


Trước đó, tại điều 4, chương 2, Nghị định 188 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 9/12/2004) về “phương pháp xác định giá đất”, khoản 1 có ghi: phương pháp so sánh trực tiếp là phương pháp xác định mức giá thông qua việc tiến hành phân tích các mức giá đất thực tế đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường của loại tương tự về loại đất, diện tích đất, thửa đất, hạng đất, loại đô thị, loại đường phố và vị trí để so sánh xác định giá của thửa đất loại đất cần định giá.


Như vậy khi ban hành văn bản, UBND TP Hà Nộ sẽ phải căn cứ vào phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc của nghị định 188 là phải sát với giá thị trường. 

 

Theo ông Hùng, dù chưa có quyết định khung giá chung nhưng về nguyên tắc pháp lí vẫn phải chấp hành theo nguyên tắc đã qui định của 188 (đã có hiệu lực trước đó 5 ngày). Đáng tiếc, 4622 lại đứng ngoài 188 đã có hiệu lực và không tuân thủ theo nguyên tắc của 188.


Ông Hùng nhận xét, QĐ 4622 của UBND thành phố Hà Nội có hai cái vô hiệu: vô hiệu về mặt cơ sở pháp lí vì dựa trên những văn bản mà NĐ 188 đã thay thế và bãi bỏ; vô hiệu về nội dung vì không tuân thủ nguyên tắc của NĐ 188 đã qui định.


Qua phân tích sự việc, ông Hùng cho rằng, đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi đưa ra quyết định này. “Ở đây là cố ý làm trái qui định của pháp luật, cụ thể là làm trái với qui định của 188 và gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Hùng cho biết.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND TP Hà Nội báo cáo, giải trình về việc này trước ngày 15/10/2006.

Đ.Hòa