UB Pháp luật yêu cầu đề án khả thi về mở rộng Hà Nội
(Dân trí) - Đa số các ý kiến của UB Pháp luật đề nghị, đến một thời điểm nhất định sẽ tiến hành việc xem xét, quyết định điều chỉnh địa giới. Đồng thời, đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu, trình ra Quốc hội một Đề án khả thi với những giải pháp, lộ trình rõ ràng…
Chiều 13/5, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận đã đọc báo cáo thẩm tra đối với việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội trước Quốc hội.
Cân nhắc kĩ nét văn hoá xứ Đoài
Theo báo cáo, một số ý kiến thành viên Uỷ ban pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phương án cụ thể mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo hướng hợp nhất tỉnh Hà Tây và một số địa phương khác vào thành phố Hà Nội là một vấn đề lớn, quan trọng mang tính lịch sử và rất phức tạp, nhạy cảm, trong khi Tờ trình của Chính phủ còn “khá sơ sài”.
Tờ trình của Chính phủ chưa giải thích thuyết phục về quy mô mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Cụ thể: “Việc xây dựng và phát triển Thủ đô tiên tiến, hiện đại vì sao nhất thiết phải phát triển theo hướng mở rộng diện tích? Nếu mở rộng thì nên theo hướng nào? Như Đề án được trình hay còn có phương án nào khác? Đây là một căn cứ quan trọng để quyết định mở rộng không gian Hà Nội như thế nào là hợp lý”.
Uỷ ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc chuyển toàn bộ xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây với diện tích tự nhiên là 454,08 ha, dân số là 2.721 nhân khẩu về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý; chuyển toàn bộ ấp C10 thuộc xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với diện tích tự nhiên là 128,48 ha, dân số là 830 nhân khẩu về xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai quản lý. |
Thêm nữa, Tờ trình của Chính phủ mới chú ý nhiều đến yêu cầu bảo đảm việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhu cầu về không gian, diện tích và những lợi thế để phát triển Thủ đô. Trong khi đó việc hợp nhất tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội làm giảm một đơn vị hành chính cấp tỉnh với nét văn hóa xứ Đoài là vấn đề rất đáng được quan tâm, cân nhắc kỹ.
Cần một đề án thực hiện được ngay!
Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức ra sao cũng là vấn đề được nêu lên. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng yếu kém, bất cập trong công tác quản lý đô thị ở Hà Nội hiện nay thường được cho là do trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ thành phố Hà Nội chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô thì dân số tăng gấp 2 lần, diện tích tăng gấp 3,6 lần so với dân số, diện tích Hà Nội hiện nay và phạm vi rộng hơn, địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhiều hơn, khối lượng, quy mô công việc quản lý, điều hành lớn hơn và phức tạp hơn vấn đề quản lí do đó sẽ còn nặng hơn.
Hơn nữa, đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Nội sẽ được hợp nhất từ các địa phương khác nhau, chắc chắn sẽ đông hơn, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý không đồng đều. Đây là vấn đề không đơn giản nhưng cũng chưa được làm rõ.
Việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội đòi hỏi một khoản ngân sách nhà nước rất lớn, chi trong nhiều năm để bảo đảm cho việc thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ cũng chưa thấy đề cập đến việc dự kiến nguồn kinh phí chi cho việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội là bao nhiêu, lấy từ nguồn nào.
Cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay đang ở trong tình trạng rất khó khăn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của năm 2008 và thời gian tiếp theo là kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế; thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lại đang đến gần. Do đó, đề nghị cần cân nhắc kỹ thời điểm quyết định điều chỉnh địa giới hệ trọng này.
Từ những phân tích trên, đa số UB đề nghị, đến một thời gian nhất định sẽ tiến hành việc xem xét, quyết định điều chỉnh địa giới.