1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Uẩn khúc từ vụ án “em rể giết anh vợ”

(Dân trí) - Một vụ án mà đã 8 lần triệu tập, xét xử nhưng bị cáo vẫn một mực kêu oan. Tại các lần xét xử, phía bị hại khẳng định bị cáo oan sai nên không yêu cầu bồi thường gì.

“Kỷ lục” về số lần xét xử

 

Ngày 9/3 vừa qua, TAND Tối cao tại TPHCM đưa ra xét xử phúc thẩm hình sự vụ án “em rể giết anh vợ” đối với bị cáo Bùi Văn Lưỡng (34 tuổi, ngụ ấp 3, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) về tội “giết người”.

 

Vụ án này đạt “kỷ lục” về số lần xét hỏi khi trước đó, tòa án huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã 6 lần triệu tập phiên xử Bùi Văn Lưỡng can tội “cố ý gây thương tích”. Cả 6 lần, tòa cấp huyện không luận tội bị cáo được nên Viện kiểm sát trả hồ sơ về điều tra lại.

 

Sau cùng, vụ án được chuyển lên TAND tỉnh xét xử sơ thẩm với tội danh “giết người” và tuyên phạt Bùi Văn Lưỡng 10 năm tù. Tuy nhiên, phía bị cáo lẫn gia đình bị hại đều kêu oan cho bị cáo và chỉ đích danh kẻ đã gây ra tội ác là một người khác đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

 

Theo kết quả điều tra, sau khi dự đám giỗ ở nhà cậu vợ, khoảng 21h ngày 25/12/2007, Bùi Văn Lưỡng chở vợ con về nhà. Khi đến nhà Nguyễn Văn Diển Em (em vợ) thì Lưỡng nghe Diển Em nói là có Nguyễn Văn Chăng cùng một số người ở ghe mua tràm đến nhà gây sự. Lưỡng liền lấy điện thoại thuật lại sự việc cho anh vợ là Nguyễn Tùng Lâm. Nghe vậy, Tùng Lâm kêu Nguyễn Văn Pháp (em ruột) chở Lâm về nhà cha ruột là Nguyễn Minh Châu để tìm hiểu sự việc.
 
Uẩn khúc từ vụ án “em rể giết anh vợ”   - 1

Đằng sau bị cáo là những người nhà bị hại đang một mực minh oan cho bị cáo

 

Khi về đến nhà, Lâm cùng với Pháp, Nguyễn Văn Quý (em ruột), Nguyễn Thị Pha (chị ruột) và Nguyễn Thị Thân (vợ Lâm) cùng chạy ra bến sông trước cửa nhà ông Nguyễn Văn Việt là nơi đậu ghe mua tràm của ông Nguyễn Văn Bôn (cha của Nguyễn Văn Chăng) để hỏi cớ gì Chăng “dọa giết” em trai mình.

 

Lúc này, thấy Chăng và em trai là Nguyễn Hoàng Anh ở bến sông, anh em của Lâm liền nhào vào ẩu đả. Thấy 2 con mình bị đánh, ông Bôn cùng các bạn nhậu là: Nguyễn Văn Việt, Huỳnh Văn Phương và Lê Văn Đông chạy đến can ngăn.

 

Ông Bôn chạy đến cách nhóm đánh lộn khoảng 3m thì thấy Lưỡng từ trên lộ chạy xuống, tay cầm một khúc tràm dài 2,5m. Lúc này, người anh vợ của Lưỡng là Tùng Lâm đang đứng quay lưng, Lưỡng dùng cây gỗ tràm đánh từ trên xuống 2-3 cái trúng đầu làm Lâm bất tỉnh. Thấy vậy, ông Việt la lên: “Mày đánh người ta vậy chết còn gì”. Ông Phương đứng đó liền nói: “Mày đánh nhầm anh mày rồi”. Do vết thương quá nặng, Lâm đã chết trên đường đi cấp cứu.

 

“Con ruột chết, con rể bị oan” (!)

 

Đứng trước hội đồng xét xử tòa tối cao, ông Nguyễn Minh Châu (62 tuổi) là cha ruột của người bị hại Nguyễn Tùng Lâm và cũng là cha vợ của bị cáo Bùi Văn Lưỡng đã một mực kêu oan cho con rể mình.

 

Tại tòa, vợ, con trai và anh em của bị hại Tùng Lâm cũng cho rằng Bùi Văn Lưỡng không phải là kẻ đã giết chồng, cha, anh mình. Khi xảy ra sự việc, họ thấy chính ông Nguyễn Văn Bôn dùng cây tràm đánh chết Tùng Lâm.

 

Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, người thân của bị hại  làm đơn kêu oan cho bị cáo và yêu cầu cơ quan chức năng trả hồ sơ vụ án, điều tra lại từ đầu.

 

Tại tòa, bị cáo Lưỡng khai, do xe bị bể bánh nên Lưỡng cùng vợ đến hiện trường trễ: “Khi tới bồ lúa nhà ông Việt, nghe anh Lâm bị đánh nên bị cáo liền lấy cây tại đó nhưng ông Việt giựt lại. Rồi bị cáo bị nhóm người này phao vu là đánh chết anh Lâm. Trong khi đó, anh Lâm bị đánh ngã ở bờ sông cách bồ lúa 7m”.

 

Với tư cách là người làm chứng, ông Dương Huy Hoàng, trưởng ấp cho biết: “Tôi thấy việc thực nghiệm hiện trường là không đúng quy định pháp luật khi không có bị cáo và hiện trường không thực. Bà con chứng kiến đã phê phán việc thực nghiệm hiện trường sai này”.

 

Khi sự việc xảy ra, có 3 người là ông Việt, Phương và Bôn cho rằng họ chứng kiến Lưỡng đánh chết Lâm. Trong khi đó, có đến 5 người: vợ, con, chị, em trai của nạn nhân và vợ của bị cáo có mặt tại hiện trường và khẳng định ông Bôn là người đánh chết Lâm. Thế nhưng, cơ quan chức năng chỉ căn cứ vào lời khai của ông Việt, Phương, Bôn mà phớt lờ lời khai của 5 người còn lại. Tại các phiên tòa, các ông Việt, Phương là những nhân chứng quan trọng nhưng không được triệu tập.

 

“Đáng lẽ, ông Bôn cũng phải bị điều tra theo hướng bị cáo như Bùi Văn Lưỡng. Vụ án có nhiều tình tiết chưa rõ, chúng tôi đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về điều tra xác minh lại các điểm còn nghi vấn”, luật sư Nguyễn Hữu Lạc - Đoàn luật sư TPHCM bào chữa cho bị cáo Lưỡng cho biết.

 

Xét thấy vụ án còn nhiều uẩn khúc và 2 nhân chứng quan trọng là Việt, Phương không có mặt nên phiên tòa phúc thẩm đã tạm hoãn.

 

Tại phiên tòa, 2 người cha ốm yếu ở tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn khẩn khoản minh oan cho con trai, con rể của mình. Ông Nguyễn Minh Châu trình bày: “Gia đình tôi con cháu hòa thuận, giữa Lâm và Lưỡng không có xích mích thì cớ gì Lưỡng phải đánh chết anh vợ nó? Con trai tôi chết, con rể bị oan sai. Tôi mong cơ quan tố tụng làm rõ để minh oan cho con tôi”.

 

Công Quang