1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Uẩn khúc quanh tờ khai sinh

Một người cả đời sống trong cảnh không vợ con. Đến ngày tạ thế, có người đưa tờ giấy khai sinh nhận là con trai, đòi tiếp nhận toàn bộ tài sản…

Đó là trường hợp của ông Đinh Phục Ba (SN 1929, quê quán xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), cư trú tại số 160 đường Nguyễn Thông, phường 3, TP Tân An, tỉnh Long An.
 
Uẩn khúc quanh tờ khai sinh  - 1

 

Tự làm khai sinh để hưởng thừa kế?

 

Trong suốt 33 năm ở đây, ông Ba sống độc thân, người sống chung nhà với ông là bà Đinh Thị Sương, cô em gái út. Ngày 8/3/2008, ông Ba qua đời sau một tai nạn giao thông.

 

Khoảng một năm sau, UBND phường 3, TP Tân An nhận được đơn của ông Đinh Thành Tiến (SN 1952, cán bộ tư pháp xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An) nhận là con trai duy nhất của ông Ba, xin thừa hưởng phần di sản ông để lại, gồm căn nhà số 160 đường Nguyễn Thông và hơn 1.300 m² đất thổ cư trên đường Nguyễn Thông (đã được UBND TP Tân An thu hồi đưa vào dự án phát triển khu đô thị quanh Bệnh viện Đa khoa Long An. Trước khi ông Ba chết, chủ đầu tư đã thỏa thuận giá bồi thường 3 tỉ đồng nhưng ông Ba chưa ký nhận).

 

Do bà Sương và những người em khác của ông Ba phản đối, ngày 27/11/2009, UBND phường 3 mời các bên đến hòa giải.

 

Cho rằng là con trai duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất, ông Tiến cương quyết không chịu phân chia phần di sản của ông Ba. Ông Tiến đưa ra tờ giấy khai sinh được lập vào ngày 9/3/2004, ghi rõ cha là Đinh Phục Ba (quê quán xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, thường trú tại phường 3, TP Tân An), mẹ là Lê Thị Thuyền (xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An) để chứng minh.

 

Sau khi xem xét tờ giấy khai sinh này, bà Sương phát hiện người đi khai sinh là ông Đinh Thành Tiến, người được khai sinh cũng mang tên Đinh Thành Tiến, chữ ký của cán bộ hộ tịch xã An Vĩnh Ngãi cũng là  Đinh Thành Tiến.

 

Cho rằng ông Tiến ngụy tạo tờ giấy khai sinh với dụng ý chiếm đoạt tài sản của ông Ba, bà Sương làm đơn khiếu nại gửi UBND xã An Vĩnh Ngãi, đề nghị thu hồi hoặc hủy bỏ.

 

Bà Sương khẳng định ông Tiến không phải là con của ông Ba, hơn nữa trước đây, ông Tiến có tên thật là Lê Thành Tiến, từng học chung với bà vào năm 1966 tại Trường Trung học Bình Phước (huyện Châu Thành).

 

Ngày 1/3/2010, UBND xã An Vĩnh Ngãi có văn bản trả lời không thể xem xét đơn khiếu nại vì thời hiệu giải quyết khiếu nại đã hết. Văn bản này còn khẳng định việc cấp giấy khai sinh cho ông Tiến vào năm 2004 là đúng quy định pháp luật.

 

Cuộc chiến pháp lý

 

Bà Sương gửi đơn “phản tố”, cho rằng UBND xã An Vĩnh Ngãi thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết đơn khiếu nại của công dân. Theo bà, điều 31 Luật Khiếu nại - Tố cáo ghi rõ thời hiệu khiếu nại là 90 ngày. Ông Tiến lén lút đăng ký khai sinh, bà và ông Ba khi còn sống không hề biết cho đến ngày 27/11/2009, ông Tiến có đơn mở thừa kế di sản của ông Ba. Từ thời điểm này cho đến khi bà Sương gửi đơn khiếu nại là đúng theo quy định của Luật Khiếu nại - Tố cáo.

 

Việc UBND xã An Vĩnh Ngãi căn cứ vào giấy xác nhận số 95/XNHT-TP (do ông Nguyễn Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, ký ngày 19/1/2004) và hai nhân chứng (những người đồng trang lứa với ông Tiến) để cấp giấy khai sinh, xác nhận ông Tiến là con của ông Ba không đủ cơ sở pháp lý.

 

Hơn nữa, ông Tiến muốn chuyển từ họ Lê sang họ Đinh, từ chỗ cha vô danh đến có danh bắt buộc phải làm thủ tục cải chính hộ tịch, việc này không thuộc thẩm quyền của xã.

 

Một thiếu sót lớn của xã An Vĩnh Ngãi là tại thời điểm ông Tiến đăng ký lại khai sinh, ông Ba vẫn còn sống nhưng UBND xã không xác minh.

 

Bà Sương thừa nhận bà Thuyền và ông Ba từng là vợ chồng nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Cụ thể, năm 1949, ông Ba cưới bà Thuyền. Năm 1950, ông Ba vào chiến khu ở Đồng Tháp Mười, bà Thuyền ở lại xã An Vĩnh Ngãi. Năm 1952, bà Thuyền vào chiến khu sống với ông Ba được 5 tháng thì sinh ông Tiến.

 

Do ông Ba không nhìn nhận, bà Thuyền đưa con về An Vĩnh Ngãi (mang họ mẹ), sau đó lấy chồng khác. Sau ngày 30/4/1975, bà Thuyền dắt ông Tiến đến nhưng ông Ba từ chối nhận con. Cũng từ đó, giữa ông Ba, bà Thuyền, ông Tiến không có quan hệ gì nữa.

 

Bà Sương nói: “Nếu ông Tiến chắc chắn mình là con của ông Ba thì đường đường chính chính nhờ tòa án giải quyết theo thủ tục truy nhận cha cho con, cớ gì phải lén lút làm lại khai sinh như vậy?”.

 

Tỉnh chỉ đạo làm rõ

 

Ngày 14/4/2010, Văn phòng UBND tỉnh Long An có văn bản yêu cầu Sở Tư pháp có trách nhiệm làm rõ tờ giấy khai sinh của ông Đinh Thành Tiến.

 

Do bà Sương tố giác cán bộ xã An Vĩnh Ngãi làm sai trong việc cấp giấy khai sinh cho ông Tiến nên Sở Tư pháp Long An chuyển hồ sơ về Phòng Tư pháp và UBND TP Tân An thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

 

Hiện UBND TP Tân An đã thành lập tổ kiểm tra làm rõ nội dung khiếu nại, tố giác của bà Sương.

 

Theo ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh Ngãi, UBND xã có thiếu sót trong khâu xác minh trước khi cấp lại khai sinh cho ông Tiến, nhất là việc hỏi ý kiến ông Ba. Nhưng sai sót này UBND xã không thể khắc phục vì  thuộc thẩm quyền cơ quan cấp trên.

 

Theo Hoàng Hùng

Người lao động